Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, trong 10 ngày sau khi khai giảng năm học mới 2021-2022, hệ số R luôn thấp hơn mức 1, dấu hiệu mang lại hy vọng khả năng dịch bệnh đã đạt đỉnh và đang trên đà suy giảm khi Israel đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mũi vaccine thứ 3 cho mọi người dân đủ điều kiện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Phổ biến thông tin về dịch bệnh COVID-19 của Israel, hệ số R có khả năng sẽ gia tăng trở lại trong những ngày tới, khi người Israel bước vào những ngày nghỉ lễ quan trọng trong năm như lễ Sám Hối (Yom Kippur), lễ Lều Tạm (Sukkot)... Việc hệ số R tăng trên mức 1 chủ yếu là do người dân tụ tập trong không gian kín như trường học và tổ chức các hoạt động chào mừng Năm Mới của người Do Thái.
Theo Viện nghiên cứu y học quốc gia Israel, hiện có 81.000 ca dương tính điều trị, trong đó 50% trong số này là học sinh và khoảng 15.000 học sinh, sinh viên đang phải cách ly, học trực tuyến tại nhà.
Một nghiên cứu của trường Đại học Hebrew cho thấy, mặc dù số ca bệnh nguy kịch đang có chiều hướng giảm nhưng số ca diễn biến nặng chủ yếu là những người chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc chưa tiêm bổ sung mũi thứ 3. Trong vài tuần qua, số ca bệnh nặng duy trì ở mức dưới 700 ca, qua đó góp phần giảm tải cho hệ thống chăm sóc tích cực của Israel.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, mặc dù cho tới nay trung bình hơn 70% dân số trưởng thành tại Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm chủng đầy đủ, song, gần một nửa số quốc gia thành viên EU vẫn đang bị tụt hậu trong việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng của họ, đặc biệt là ở Bulgaria và Romania.
Hiện tại, các nước có tỷ lệ tiêm chủng cho dân số trên 18 tuổi đạt trên 85% là Bỉ (85,7%), Đan Mạch (89,4%), Phần Lan (85,1%), Pháp (93,3%), Đức (78,8%), Ireland (92%), Malta (90,9%), Hà Lan (85,5%), Bồ Đào Nha (96,5%), Tây Ban Nha (89,2%) và Thụy Điển (83,1%).
Dưới ngưỡng 70% là Bulgaria (22,9%), Croatia, (51,5%), Cộng hòa Séc (66,2%), Estonia (65%), Hy Lạp (68,1%), Hungary (68,2%), Latvia (50,8%), Ba Lan (60,1%), Romania (33,4%), Slovakia (51,6%) và Slovenia (56,5%).
Tình hình cũng đáng lo ngại ở một số quốc Đông Âu vốn được coi là ứng cử viên gia nhập EU. Tại những nước ứng cử viên này, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 được triển khai đồng thời với các quốc gia thành viên EU nhờ các khoản tài trợ từ Ủy ban tài trợ vaccine COVID-19 do EU hỗ trợ trong khi chờ tiếp cận vaccine theo sáng kiến COVAX.