Hé lộ nội dung điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Afghanistan trước khi Kabul thất thủ

Trong cuộc điện đàm cuối cùng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Afghanistan Ashraf Ghani trước ngày Taliban giành kiểm soát, hai nhà lãnh đạo đều không lường trước nguy cơ chính phủ này sẽ sụp đổ.  

Cuộc điện đàm trước ngày sụp đổ

Theo bản ghi chép mà hãng tin Reuters nắm được, ông Joe Biden và ông Ashraf Ghani đã bàn bạc về nhiều vấn đề như viện trợ quân sự, chiến lược chính trị cũng như chiến thuật trao đổi thông tin. Song, cả hai ông đều không chuẩn bị cho nguy cơ trước mắt rằng toàn bộ đất nước Nam Á này sắp sửa rơi vào tay phong trào Hồi giáo Taliban. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (trái) và người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong một cuộc gặp chung. Ảnh: Reuters

Hai tổng thống đã trao đổi trong gần 14 phút vào hôm 23/7. Đến ngày 15/8, ông Ghani rời khỏi phủ tổng thống để sang nước ngoài lánh nạn, trong các tay súng Taliban tiến vào Kabul. Kể từ đó đến nay, hàng chục ngàn người dân Afghanistan đã chạy khỏi quốc gia này. 

Reuters đã xem lại bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm cũng như bản ghi âm để xác thực thông tin trên. Tài liệu này được một nhân vật giấu tên cung cấp cho hãng tin.  

Trong cuộc gọi, ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẽ hỗ trợ nếu Tổng thống Ghani có thể công khai kế hoạch kiểm soát tình hình đang leo thang ở Afghanistan. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ không quân chặt chẽ, nếu chúng tôi biết rõ kế hoạch là gì", ông Biden nói. Vài ngày trước cuộc gọi, Mỹ đã tiến hành một số cuộc không kích để hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan. Động thái này bị Taliban cho là vi phạm thỏa thuận hòa bình Doha.

Tổng thống Biden cũng khuyên ông Ghani nên chiêu mộ những người Afghanistan tài giỏi tham gia chiến lược quân sự trong tương lai và sau đó giao cho một "chiến binh" phụ trách, ám chỉ đến Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Bismillah Khan Mohammadi. Ông Biden cũng khen ngợi các lực lượng vũ trang Afghanistan được Mỹ hỗ trợ đào tạo bài cũng như có số lượng áp đảo so với Taliban. 

Nhân điện đàm, Tổng thống Mỹ cũng tập trung vào điều mà ông gọi là vấn đề “nhận thức” của chính phủ Afghanistan trong cuộc chiến chống lại Taliban và khuyên ông Ghani thay đổi điều đó. Ông Biden đề xuất rằng nếu các nhân vật chính trị nổi tiếng của Afghanistan tổ chức một cuộc họp chung cũng như ủng hộ một chiến lược quân sự mới thì mới có thể thay đổi nhận thức.

Lời nói của nhà lãnh đạo Mỹ cho thấy ông không lường trước được cuộc tấn công quy mô lớn của Taliban cùng với sự sụp đổ của chính quyền ông Ashraf Ghani xảy ra sau đó 23 ngày. Ông Biden nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ về mặt ngoại giao, chính trị, kinh tế, để đảm bảo rằng chính phủ Afghanistan hiện nay không chỉ tồn tại mà còn được duy trì và phát triển”.

Ngày 31/8, Nhà Trắng đã từ chối bình luận về nội dung cuộc điện đàm trên. Sau chương trình làm việc ngày hôm đó, Nhà Trắng ra một tuyên bố tập trung vào cam kết của ông Biden về việc hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan cũng như việc chính quyền Mỹ xin Quốc hội giải ngân viện trợ cho quốc gia Nam Á này.  

Về phần mình, Tổng thống Ghani nói rằng ông tin tưởng có thể đạt được hòa bình nếu như tái cân bằng được giải pháp quân sự. Ông nói thêm rằng: “Chúng tôi cần hành động nhanh chóng. Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc tấn công toàn diện từ Taliban cùng ít nhất 10.000 – 15.000 phần tử khủng bố quốc tế, chủ yếu xuất phát từ Pakistan”. 

Các quan chức chính phủ Afghanistan cùng chuyên gia Mỹ đã liên tục cáo buộc người Pakistan hậu thuẫn Taliban, giúp tổ chức Hồi giáo này hồi sinh. Trong khi đó, Đại sứ quán Pakistan tại Washington phủ nhận những cáo buộc trên.

Reuters đã cố gắng liên hệ với nhân viên của Tổng thống Ashraf Ghani về cuộc điện đàm này nhưng không thành công. Tuyên bố công khai cuối cùng từ ông Ghani, người được cho là đang ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), được đưa ra vào ngày 18/ 8. Khi đó, ông khẳng định chọn cách từ chức và rời khỏi Afghanistan để ngăn chặn đổ máu.

Vào thời điểm cuộc gọi giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra, Mỹ đã hoàn thành kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan mà ông Biden đã hoãn lại từ hạn chót tháng 5 do người tiền nhiệm Donald Trump ấn định. Quân đội Mỹ cũng đóng cửa căn cứ không quân chính tại Afghanistan từ đầu tháng 7. 

Tình hình xấu đi nhanh chóng

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban canh gác bên ngoài Bộ Nội vụ Afghanistan ngày 17/8. Ảnh: AFP

Khi hai lãnh đạo thảo luận lần cuối, lực lượng Taliban đang kiểm soát khoảng một nửa lãnh thổ Afghanistan – dấu hiệu cho thấy tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng. 

Afghanistan hứa hẹn về sự thay đổi trong chiến lược quân sự, bắt đầu tập trung vào việc bảo vệ các "trung tâm dân cư", các thành phố lớn, thay vì chiến đấu để bảo vệ các vùng lãnh thổ nông thôn.

Tổng thống Biden đã phê duyệt chiến lược đó. Ông nói rằng làm như vậy sẽ đem lại hiệu quả thực tiễn mà còn giúp tăng cường sự ủng hộ của thế giới đối với chính phủ Afghanistan. Trong khi đó, người đồng cấp Ghani nhấn mạnh cùng ông Biden rằng lời cam kết hỗ trợ của Mỹ đã thực sự tiếp sức sự cho quân đội Afghanistan.

Hai tuần sau cuộc gọi điện đàm, Taliban đã chiếm được một số thủ phủ của Afghanistan, trong khi Mỹ nói rằng trách nhiệm bảo vệ đất nước thuộc về các lực lượng an ninh của quốc gia Nam Á này. “Đó là lực lượng quân sự của họ, thủ phủ của họ, nhân dân của họ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói ngày 9/8. 

Ngày 11/8, báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ cho thấy các chiến binh Taliban có thể bao vây thủ đô Afghanistan trong vòng 30 ngày và cuối cùng là chiếm thành công sau 90 ngày. Thay vào đó, quá trình sụp đổ lại diễn ra sau chưa đầy 1 tuần. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Điều gì khiến Pháp tỉnh táo sơ tán nhân viên 3 tháng trước khi Kabul thất thủ?
Điều gì khiến Pháp tỉnh táo sơ tán nhân viên 3 tháng trước khi Kabul thất thủ?

Pháp đã đi trước Mỹ khi bắt tay sơ tán nhân viên và người Afghanistan cộng tác với Pháp từ rất sớm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN