Tờ AP đưa tin với hạn mức như vậy, hàng ngàn người dân đã phải xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài trụ sở Ngân hàng Quốc gia Afghanistan tại Kabul. Trong khi đó, tiền lương của nhiều người vẫn chưa được thanh toán.
Anh Mustafa, một nhân viên phục vụ ở Kabul, cho biết bản thân là trụ cột của gia đình gồm 11 người và giờ đây lương của anh đã bị cắt giảm 75%. Kể từ khi Taliban giành chiến thắng, Mustafa kiếm chưa nổi 50 USD/tháng.
Hay như ông Noorullah, kinh doanh cửa hàng dụng cụ 11 năm, chia sẻ rằng: “Các ngân hàng đều đóng cửa. Những người có tiền đang chạy khỏi đất nước này. Chẳng còn ai đến mua hàng cả”.
Cửa hàng của ông không hề có khách mua hàng kể từ dấu mốc quan trọng ngày 15/8 và ông không thể trả tiền thuê mặt bằng. Ông cũng không thể rời Afghanistan vì đã quá gắn bó với cuộc sống nơi đây.
Tại một tiệm bánh pizza ở trung tâm thành phố Kabul, các nhân viên và khách hàng đều tỏ ra lo âu về việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan.
Tuy nhiên, một số người cho biết họ lo sợ về nền kinh tế kiệt quệ cũng như không thể nuôi sống gia đình nhiều hơn là về việc quay trở lại một số điều lệ như thời Taliban trước đây.
Những người khác lo sợ cho tương lai của con cái họ và hoang mang khi chứng kiến hàng chục nghìn người nước ngoài cùng người Afghanistan tháo chạy bằng đường hàng không trong hai tuần qua.
Anh Mustafa tâm sự: “Tôi phải chạy khỏi nơi đây để có thể nuôi gia đình mình”. Anh cho biết mình có định sang nước láng giềng Iran tìm việc làm.
Dù vậy, hoạt động kinh doanh dường như đã quay trở lại như thường lệ tại hầu khắp Kabul, trái ngược với cảnh tượng chen lấn tại sân bay, nơi hàng ngàn người đổ về nhằm mục đích rời khỏi đất nước Nam Á này trước hạn chót sơ tán ngày 31/8.
Ở phần lớn thủ đô với hơn 5 triệu dân của Afghanistan, giao thông đã bình thường đã trở lại, các khu chợ cũng mở cửa.