Điều gì khiến Pháp tỉnh táo sơ tán nhân viên 3 tháng trước khi Kabul thất thủ?

Pháp đã đi trước Mỹ khi bắt tay sơ tán nhân viên và người Afghanistan cộng tác với Pháp từ rất sớm.

Chú thích ảnh
Người Afghanistan xuống sân bay Roissy-Charles de Gaulle, phía bắc Paris, sau khi được sơ tán khỏi Afghanistan hôm 26/8. Ảnh: AFP

Tháng 5, tức ba tháng trước thời điểm Kabul rơi vào tay Taliban, Pháp đã khởi động chiến dịch sơ tán công dân người bản địa làm việc cho Đại sứ quán Pháp và các tổ chức của Pháp ở Afghanistan. Giới chức Pháp cho biết đã có 623 người được thuộc diện này được đưa tới Pháp vài tuần trước khi quân đội Afghanistan sụp đổ trước Taliban.

Trước đó, Pháp cũng đã sơ tán khoảng 800 người Afghanistan và thân nhân từng làm việc, cộng tác với binh sĩ Pháp tại quốc gia Nam Á này khi Paris chấm dứt chiến dịch quân sự ở Afghanistan vào năm 2014. Pháp cũng liên tục khuyến cáo công dân nước mình rời khỏi Afghanistan.

Quyết định đi trước của Pairis gặp phải sự phản đối của nhiều tổ chức Phi chính phủ (NGO) hoạt động ở Afghanistan cũng như một số đồng minh của Pháp ở châu Âu. Số này cho rằng đây là biểu hiện của sự bỏ mặc người Afghanistan, đồng thời cáo buộc chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron bi quan trước tác động an ninh từ tuyên bố rút quân của ông Joe Biden.

Tầm nhìn của Pháp là đúng và sớm. Việc Paris tiên liệu về sự sụp đổ hiển hiện của Kabul hoàn toàn đối lập với sự thiếu chuẩn bị từ phía Mỹ. Nó làm dấy lên nghi vấn tình báo Pháp đã thu thập được thông tin mà các đồng nghiệp Mỹ không có được.

Nhưng một quan chức Pháp tại Paris cùng giới phân tích đồng lập đều bác bỏ điều này. Họ cho rằng cả Mỹ, Pháp và nhiều nước đồng minh đều cùng chia sẻ thông tin tình báo đầu vào. Điểm khác biệt duy nhất chính là ở khâu phân tích, đánh giá.

Chú thích ảnh
Tay súng Taliban kiểm soát lối vào sân bay Kabul hôm 28/8. Ảnh: AP

Pháp là bên đã rút ra được kết luận rất rõ ràng về những hệ quả đến từ quyết định rút quân của Tổng thống Biden, trong khi phía Mỹ rơi vào trạng thái “điểm mù”, quá ảo tưởng vào quân đội Afghanistan cũng như khoản tiền lớn mà Mỹ bỏ ra để xây dựng guồng máy quân sự, an ninh ở Afghanistan. Cùng với đó, khâu vận hành trong hệ thống, cộng đồng tình báo Mỹ cũng nhiều điểm bất cấp, chồng chéo.

“Tôi muốn gửi lời khen ngợi đối với các chuyên gia phân tích của Pháp. Bởi vì Pháp nhận được thông tin tình báo không khác các nước. Chính khâu phân tích tạo ra sự khác biệt khi nói đến dịch chuyển tại Afghanistan sau khi Mỹ quyết định rút quân. Chúng tôi đã định ra kịch bản tồi tệ nhất”, một quan chức cấp cao ẩn danh của Pháp cho biết.

Jean-Marie Guehenno, chuyên gia về gìn giữ hòa bình, người phụ trách chương trình giải pháp xung đột thuộc Đại học Columbia nhìn nhận chính việc đứng tách biệt hẳn những diễn biến hàng ngày ở Afghanistan cho phép phía Pháp có cái nhìn khách quan hơn. Trong khi đó Mỹ là bên ở gần, bị cuốn quá sâu vào sức mạnh của lực lượng quân sự, an ninh Afghanistan.

Theo Myriam Benraad, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Schiller, thất bại tình báo lớn nhất không phải là đánh giá thấp Taliban, mà là quá đề cao sức mạnh, tính thống nhất và độ trung thành của quân đội Afghanistan – lực lượng mà ông Biden coi là then chốt để giữ vững các thành phố ở Afghanistan sau khi Mỹ hoàn tất rút quân.

Theo bà, quân đội Afghanistan không đưa thông tin chính xác về mình, còn phía Mỹ lại chỉ muốn tin vào báo cáo phía Kabul sau khi đã đầu tư quá nhiều tiền của cho lực lượng quân sự, an ninh Afghanistan. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc chính quyền Joe Biden có cái nhìn méo mó, sai lệch về tương quan lực lượng, thực tiễn trên chiến trường Afghanistan.

Nhưng ngay cả khi có tầm nhìn vượt trước, phía Pháp cũng bị bất ngờ trước sự sụp đổ quá nhanh của Kabul vào hôm 15/8. Giống Đức, Ấn Độ và nhiều nước khác, Pháp phải lệ thuộc vào kiểm soát quân sự của Mỹ đối với sân bay Kabul khi thực hiện chiến dịch sơ tán 3.000 người, trong đó có công dân Pháp và người bản địa Afghanistan.

Đại sứ David Martinon và những binh sĩ đặc nhiệm Pháp cuối cùng cũng mới chỉ trở về Pháp trong ngày 29/8. “Khi nói đến đà tiến [của Taliban] vào Kabul, tôi không nghĩ là Pháp đã tiên liệu được trước”, bà Benraad nói.

Hoài Thanh
Các nước châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan
Các nước châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 30/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm để trao đổi về vấn đề Afghanistan ngay trước khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn để thảo luận về tình hình quốc gia Tây Nam Á này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN