Dự kiến ngày 4/4 (theo giờ VN), Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tiến hành phiên họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng tại Mali. Pháp đã đề nghị HĐBA tiến hành phiên họp này do lo ngại tình trạng phiến quân mở rộng kiểm soát lãnh thổ ở Mali.
Cuộc sống của người dân Mali càng trở nên khó khăn trước tình trạng bất ổn ở nước này. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tình hình Mali hiện vẫn vô cùng bất ổn. Cuộc đảo chính hôm 22/3 đã đẩy chính trường Mali rơi vào khủng hoảng. Tranh thủ cơ hội này, Phong trào Giải phóng quốc gia Azawad (MNLA) của người Tuareg và nhóm Hồi giáo vũ trang Ansar Dine có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al - Qaeda nhánh Bắc Phi đã mở nhiều cuộc tấn công vào các thành phố ở miền bắc. Trong nhiều thập kỷ qua, MNLA thường xuyên tiến hành hoạt động chống phá chính quyền trung ương, hòng thành lập một nhà nước độc lập của người Tuareg. Các cuộc tấn công kể từ cuối năm ngoái của phiến quân đã khiến hơn 200.000 người dân phải đi lánh nạn.
Ngày 2/4, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã thông báo áp đặt cấm vận toàn diện đối với chính quyền quân sự ở Mali, bao gồm đóng cửa biên giới trên bộ của tất cả các nước thành viên với Mali và phong tỏa tài khoản ngân hàng của nước này, nhằm gia tăng sức ép khôi phục trật tự hiến pháp ở Mali sau cuộc đảo chính.
Lãnh đạo 15 nước thành viên ECOWAS cũng quyết định triển khai lực lượng quân sự tại khu vực miền bắc Mali, nhằm chấm dứt hoạt động của phiến quân Tuareg và các tay súng Hồi giáo hiện đang nắm quyền kiểm soát ba thành phố quan trọng ở miền bắc là Kidal, Gao và Timbuktu.
H.H