Sau khi 97% người dân Crimea (Crưm) bỏ phiếu nhất trí sáp nhập và được Nga tiếp nhận bán đảo này trở thành một bộ phận của Liên bang Nga, Mỹ và phương Tây đồng loạt công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga và phong tỏa các tài sản của họ ở nước này. Đây được mô tả là gói trừng phạt toàn diện nhất Mỹ áp đặt đối với Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 17/3 và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/3 đe dọa sẽ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga tiếp tục có hành động tại Ukraine. Dư luận Mỹ đặt câu hỏi các biện pháp trừng phạt tiếp theo là gì và hậu quả của các đòn trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ ra sao.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. |
Về các đòn trừng phạt tiếp theo, ngày 18/3, phát biểu tại Vacsava (Ba Lan) bên lề cuộc họp của NATO, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết Mỹ sẽ có thêm các biện pháp về kinh tế và quân sự chống lại sự xâm nhập của Nga vào khu vực Đông Âu. Ông Biden hối thúc các đồng minh châu Âu noi gương Mỹ để đẩy mạnh việc khai thác năng lượng ở trong nước nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Mỹ cũng có chủ trương gia tăng xuất khẩu năng lượng để giúp các nước châu Âu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc vận chuyển dầu và khí đốt của Mỹ ra nước ngoài nói dễ hơn làm. Mỹ hiện không có cơ sở hạ tầng cần thiết để xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và vài ba năm nữa cũng chưa thể có. Xuất khẩu dầu có vẻ dễ hơn, nhưng đòi hỏi phải thay đổi lệnh cấm áp đặt năm 1975, theo đó các công ty của Mỹ có thể được phép xuất khẩu than, xăng và khí đốt nhưng không được phép xuất khẩu dầu thô. Cả hai biện pháp này đều có nguy cơ làm tăng giá nhiên liệu ở trong nước và cũng không có gì bảo đảm là sẽ thay thế được ưu thế của Nga tại thị trường năng lượng châu Âu.
Đài Tiếng nói Mỹ (VOA) ngày 18/3 dẫn lời chuyên gia người Nga theo dõi các vấn đề kinh tế, bà Misha Gutkin, cho biết vài người trong số 7 quan chức Nga bị Tổng thống Barrack Obama áp đặt các chế tài ngày 17/3 “tỏ ra ngạc nhiên vì các biện pháp yếu ớt như thế”.
Theo các chuyên gia châu Âu, các biện pháp mà Washington và Brussels áp đặt đối với Nga sẽ có ít tác động ngay lập tức và các biện pháp trừng phạt nếu được siết chặt hơn nữa sẽ khiến cho tình hình căng thẳng leo thang. Thị trường chứng khoán Nga vẫn có chiều hướng tăng điểm trong ngày 17/3 khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)công bố các biện pháp trừng phạt.
Giáo sư khoa học chính trị Stephen Farnsworth thuộc đại học Mary Washington cho rằng chính quyền Barack Obama đang ở trong một tình thế mạo hiểm vì áp đặt lệnh trừng phạt. Theo Giáo sư Farnsworth, “thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt là làm thế nào để làm cho các chế tài đủ mạnh để "khuyến khích" Nga hành xử hợp lý hơn, nhưng lại không quá mạnh tới mức dẫn tới một sự leo thang căng thẳng mới”.
Vị Giáo sư này cho rằng cuộc đối đầu của phương Tây với Nga về vấn đề Crimea hiện tại là tồi tệ, và có thể dễ dàng trở nên tồi tệ hơn. Chuyên gia phân tích của trang mạng “Bankrate.com” Mark Hamrick cho rằng nếu Mỹ và phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn thì tình trạng đối đầu sẽ trở nên gay gắt hơn và điều đó có thể ảnh hưởng đến kinh tế, thị trường tài chính sẽ trở nên bất ổn hơn nhiều, và vì vậy, chắc chắn đây là một yếu tố rủi ro chính mà các nhà đầu tư đang theo dõi. Ông Hamrick hy vọng đầu óc tỉnh táo của các nhà lãnh đạo có thể giữ cho tình hình căng thẳng không gia tăng thêm nữa.
Các đòn trừng phạt của Mỹ và EU là nhằm vào các “thuộc hạ” của Tổng thống Nga Putin. Thế nhưng, chuyên gia phân tích Matthew Rojansky thuộc đại học Columbia cho biết những người mà ông Putin dựa vào thân cận với ông tới mức sẵn sàng chấp nhận thua thiệt và đã được chuẩn bị để chịu đựng những hậu quả của việc trừng phạt.
Hơn nữa, ông Putin cũng đặc biệt giúp đỡ để họ hạn chế những hậu quả của các biện pháp trừng phạt. Lý do, theo ông Rojansky là trong hơn một năm rưỡi qua, ông Putin đã hối thúc giới chức cấp cao Nga không nên đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài mà hãy đưa của cải về Nga và “bất cứ ai nghe theo ông Putin đều đang yên thân và không phải lo lắng về sự trừng phạt của quốc tế”.
Ông Rojansky cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện nay không đủ mạnh. Nhà phân tích này nói: "Tôi không cho rằng ông Putin nghĩ chúng ta thực sự có gan áp đặt những biện pháp trừng phạt thực sự đau đớn trong lĩnh vực năng lượng”. Chuyên gia Robert Legvold thì cho rằng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn có thể gây hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu trong khi “rất khó, nếu không muốn nói là không thể đảo ngược những gì đã xảy ra ở Crimea”.
TTK