Theo trang NBC News, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev cho biết chuyến hàng đầu tiên của Mỹ thuộc nhóm “viện trợ gây chết người” cho Ukraine đã hạ cánh xuống thủ đô nước này vào ngày 21/1, chưa đầy 24 giờ sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Geneva, Thuỵ Sĩ.
Chuyến hàng “thể hiện cam kết của Mỹ trong việc giúp Ukraine củng cố khả năng phòng thủ của mình khi đối mặt với sự hung hăng ngày càng tăng của Nga”, Đại sứ quán Mỹ cho biết trong một dòng tweet trên trang Twitter chính thức.
Chuyến hàng bao gồm "gần 200.000 pound (trên 90 tấn) hàng viện trợ gây chết người, bao gồm cả đạn dược cho các đơn vị phòng thủ tiền tuyến của Ukraine."
Washington đã thông qua gói hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá 200 triệu USD cho Ukraine vào tháng 12/2021. Động thái nói trên diễn ra trong bối cảnh Kiev và các đồng minh phương Tây đang lo ngại Nga đưa quân vào Ukraine, khi hơn 100.000 binh sĩ Nga đã tập trung áp sát biên giới.
Trong khi đó, Nga bác bỏ hoàn toàn cáo buộc cho rằng họ đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã đưa ra một số yêu cầu đối với phương Tây, bao gồm việc cấm vĩnh viễn Ukraine trở thành thành viên của NATO và loại bỏ hầu hết hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh ở Đông Âu. Đáp lại, Mỹ nói rằng đó là một yêu cầu không khả thi.
Lô hàng của Mỹ được đưa tới Ukraine sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, Latvia và Lithuania (Litva) cho biết trong một tuyên bố chung vào cuối ngày 21/1, rằng ba nước này cũng sẽ gửi tên lửa chống tăng và phòng không do Mỹ sản xuất tới Ukraine.
Ba quan chức cho biết Estonia sẽ cung cấp vũ khí chống tăng Javelin trong khi Latvia và Lithuania gửi tên lửa phòng không Stinger và các thiết bị liên quan khác.
Trong khi đó, ngày 21/1, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết trong một dòng tweet rằng Washington chào mừng ba quốc gia NATO và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ "vì sự hỗ trợ lâu dài của họ đối với Ukraine". Ông Blinken nói thêm rằng ông đã "xúc tiến và ủy quyền" việc chuyển giao vũ khí. Hiện không rõ nào vũ khí và các thiết bị quân sự sẽ được gửi đi.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc gặp gỡ đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Geneva. Ông Blinken cho hay tại cuộc gặp ông đã nói với Ngoại trưởng Lavrov rằng nếu Nga muốn thuyết phục thế giới rằng họ không có ý định gây hấn với Ukraine, thì nên bắt đầu bằng cách loại bỏ các lực lượng Nga khỏi biên giới Ukraine và tiếp tục tham gia đối thoại.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết đối thoại giữa hai nước sẽ vẫn tiếp tục liên quan đến các đề xuất an ninh của Nga và Washington đã nhất trí phản hồi bằng văn bản về các đề xuất trên vào tuần tới. Ông Lavrov hy vọng điều này có thể giúp hạ nhiệt phần nào căng thẳng tại Ukraine, đồng thời tái khẳng định Moskva không gây bất kỳ đe dọa nào đối với nước láng giềng.
Ngoại trưởng Lavrov đánh giá cuộc đối thoại kéo dài 1 giờ rưỡi như kế hoạch với người đồng cấp Blinken cởi mở và hữu ích, đồng thời khẳng định Moskva không có kế hoạch tấn công Ukraine. Ông khẳng định Tổng thống Vladimir Putin luôn sẵn sàng tiếp xúc với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, song bất kỳ cuộc tiếp xúc nào cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng.