Hàng trăm người thương vong do đụng độ giữa người Palestine và quân đội Israel

Theo Tân Hoa Xã, đụng độ giữa quân đội Israel và những người biểu tình Palestine phản đối quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã khiến 2 người Palestine thiệt mạng và hơn 270 người khác bị thương.

Người dân Palestine biểu tình tại Dải Gaza ngày 7/12. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Palestine ngày 8/12 xác nhận hai người Palestine là Mahmoud al-Masri, 30 tuổi, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với binh sĩ Israel ở phía Nam Dải Gaza. Người còn lại chưa xác định danh tính. Phía quân đội Israel cũng xác nhận đã bắn 2 người ở khu vực dọc biên giới, đồng thời cho biết "các vụ bạo loạn" đã nổ ra ở 30 địa điểm ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza. Bờ Tây là nơi diễn ra biểu tình rầm rộ nhất, với hơn 3.000 người Palestine tham gia.


Trong khi đó, Tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết đụng độ khiến hơn 200 người Palestine bị thương, trong đó chủ yếu ở Bờ Tây. Ở Gaza, ít nhất 16 người đã bị thương do trúng đạn, trong đó có 2 người bị thương nặng.


Hàng nghìn người dân Palestine đã đổ xuống đường phố sau khi nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas đưa ra lời kêu gọi biểu tình rầm rộ vào ngày thứ Sáu với tên gọi "Ngày thịnh nộ" 8/12. Hàng loạt các cuộc đụng độ giữa người biểu tình Palestine và lực lượng an ninh Israel đã nổ ra tại thành cổ Jerusalem cũng như các địa điểm khác, như Hebron, Bethlehem, và khu vực Nablus ở Bờ Tây.


Các cuộc biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã diễn ra tại nhiều nước có đông người Hồi giáo như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan và Indonesia, thậm chí ở cả những nước mà người Hồi giáo chỉ là thiểu số như Bangladesh và Ấn Độ.


Hôm 6/12, Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong khu vực vốn đã bị trì hoãn quá lâu. Đây được xem là một "bước đi nguy hiểm", không chỉ đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, mà còn có nguy cơ làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab. 


Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trái phép trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.


TTXVN/Báo Tin tức
Mọi giải pháp liên quan đến Jerusalem cần tuân thủ luật pháp quốc tế
Mọi giải pháp liên quan đến Jerusalem cần tuân thủ luật pháp quốc tế

Về lập trường mới của Mỹ đối với vấn đề Jerusalem, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ quan ngại quyết định này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định tại khu vực Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN