Xuất hiện tại Mumbai, Thane và Kolkata, các điểm tiêm chủng giả này đã gây chấn động Ấn Độ. Tại đất nước đang bị COVID-19 hoành hành này, chỉ vài tuần trước, những kẻ lừa đảo đã kiếm lợi trong làn sóng bùng phát thứ hai bằng cách bán thuốc giả và thậm chí còn lấy bình chữa cháy giả làm bình oxy.
Theo tờ Straits Times, trong khi điểm tiêm giả đầu tiên bị tố giác ngày 30/5 tại Mumbai, mới đây, ngày 22/6, cảnh sát lại phát hiện một điểm khác ở Kolkata. Họ đã tiến hành một số vụ bắt giữ ở hai thành phố, đồng thời truy tố các bị can với những tội danh nghiêm trọng trong đó có cả tội giết người.
Cảnh sát ở Mumbai nghi ngờ những kẻ lừa đảo đã đổ nước muối hoặc nước cất vào các lọ vaccine đã qua sử dụng để tiêm cho nạn nhân. Trong khi tại Kolkata, cơ quan chức năng lo ngại bọn tội phạm đã dùng amikacin, một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nghị sĩ Mimi Chakraborty, người đến một điểm tiêm chủng giả ở Kolkata ngày 22/ 6, đã ngã bệnh ngay sau đó, mặc dù không biết liệu bệnh tình của bà có liên quan đến thứ chất mà bà bị tiêm vào người hay không.
Anh Hiren Mehta, 35 tuổi và vợ cũng là nạn nhân bị tiêm thuốc giả tại Mumbai ngày 30/5. Mặc dù họ không gặp phải bất kỳ phản ứng phụ nào sau đó nhưng họ vẫn rất lo lắng và tức giận.
"Mối quan tâm chính của chúng tôi là họ đã tiêm gì vào cơ thể chúng tôi. Và sau đó là tìm hiểu khi nào chúng tôi có thể tiêm liều đầu tiên vì đợt bùng phát thứ ba đang đến gần", anh nói với The Straits Times.
Người dân muốn tiêm vaccine COVID-19 tại các trung tâm tư nhân đều phải trả phí. Anh Mehta đã phải nộp 1.260 rupee (khoảng 400.000 đồng) cho một mũi tiêm. Anh thậm chí còn nhận được giấy chứng nhận giả mạo từ một cổng thông tin tiêm chủng của chính phủ - nơi những kẻ lừa đảo đã tấn công mạng chiếm đoạt.
Những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên đã bị lật tẩy sau khi người dân khiếu nại với cảnh sát. Nhiều người trong số họ trở nên nghi ngờ vì không gặp bất kỳ phản ứng gì sau tiêm cũng như không nhận được thông báo và chứng nhận tiêm chủng qua tin nhắn SMS.
Các cuộc điều tra cho đến nay đã hé lộ những hình thức ranh ma để đánh lừa mọi người. Debanjan Deb, 28 tuổi, bị cáo buộc là kẻ chủ mưu của đường dây lừa tiêm chủng ở Kolkata, được cho là đã đóng giả làm một công chức có bằng sau đại học về di truyền học. Cảnh sát đã thu hồi các nhãn mác giả mạo vaccine Covishield cùng các lọ amikacin không có hạn sử dụng trong nhà của Deb.
Để thiết lập thông tin xác thực của mình, Deb đã in nhiều lá thư gửi có tiêu đề đến các cơ quan chính phủ khác nhau và đóng dấu bằng con dấu giả, để khẳng định chúng đã được chính quyền tiếp nhận. Deb bị nghi là nhân vật đứng đằng sau 8 điểm tiêm chủng giả trong thành phố, với khoảng 1.000 nạn nhân.
Bắt đầu từ ngày 16/1, chiến dịch tiêm chủng mở rộng của Ấn Độ chỉ đạt được tiến độ khiêm tốn với khoảng 59,6 triệu người (tức 6% người trưởng thành) được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 30/6 vừa qua, có phần chậm trễ so với nền dân số lên đến 1,3 tỷ người.
Giới chuyên gia Ấn Độ đã cảnh báo về đợt bùng phát dịch thứ ba tại quốc gia Nam Á này, với một số ý kiến cho rằng nó có thể ập đến nước này sớm nhất là trong vòng 8 tuần tới. Ấn Độ là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai trên thế giới (sau Mỹ), với hơn 30 triệu ca và gần 398.000 ca tử vong.