Dẫn tuyên bố của Emirates, kênh CNN đưa tin toàn bộ hành khách trên chuyến bay tới Tunisia ngày 15/4 đã được lấy máu và xét nghiệm nhanh COVID-19 tại sân bay Quốc tế Dubai trước khi khởi hành.
Cơ quan Y tế Dubai xét nghiệm tại khu vực làm thủ tục theo nhóm ở Cửa số 3 và kết quả có trong 10 phút. Emirates là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới thực hiện quy trình xét nghiệm như trên.
“Chúng tôi đang triển khai các kế hoạch để tăng cường năng lực xét nghiệm trong tương lai và mở rộng ra các chuyến bay khác. Việc này giúp chúng tôi triển khai xét nghiệm ngay tại chỗ và cho kết quả ngay lập tức đối với những hành khách của Emirates tới những quốc gia cần giấy xác nhận xét nghiệm COVID-19”, Adel Al Redha – Giám đốc Điều hành Emirates – cho biết.
Hãng hàng không không đề cập tới khả năng hành khách bị từ chối cho lên máy bay nếu có kết quả dương tính.
Thay vì xác định xem có virus SARS-CoV-2 hay không, phương thức xét nghiệm máu là công cụ kiểm tra kháng thể trong hệ miễn dịch. Nếu có kháng thể trong máu tức là người đó từng bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), trong một vài ngày đầu mắc bệnh, khi phản ứng hệ miễn dịch của cơ thể đang phát triển thì có thể chưa phát hiện được kháng thể.
Tuy nhiên, phương thức xét nghiệm bằng mẫu máu như thế này vẫn được coi là bước đi đúng hướng cho ngành hàng không, trong bối cảnh thế giới vẫn còn suy nghĩ về thời điểm và cách thức nới lỏng lệnh cấm di chuyển một cách an toàn.
Hãng hàng không Etihad Airway của Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo sẽ dựng các ki-ốt tự phục vụ thí điểm ở sân bay Abu Dhabi vào cuối tháng Tư nhằm giúp phát hiện các hành khách gặp vấn đề sức khỏe, trong đó có người ở giai đoạn đầu mắc COVID-19. Công nghệ dùng trong những ki-ốt này có thể kiểm tra nhiệt độ, nhịp tim và nhịp thở của hành khách.
Các hãng hàng không trên thế giới đã phải ngừng phần lớn các chuyến bay quốc tế trong đại dịch COVID-19 do các nước đóng cửa biên giới hoặc tiến hành các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Chỉ một số hãng hàng không phối hợp với chính phủ nước mình thực hiện các chuyến bay hồi hương để hỗ trợ công dân mắc kẹt ở nước ngoài.
Theo phân tích mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 sẽ khiến các hãng hàng không hiệt hại 314 tỷ USD trong năm 2020, giảm 55% so với năm trước.