Hàng chục phụ nữ Ấn Độ bị rao 'bán đấu giá' trên mạng

Cảnh sát Ấn Độ đang điều tra vụ việc hàng chục phụ nữ theo đạo Hồi bị rao bán trong các cuộc "đấu giá" giả trên mạng mà họ không hề hay biết.

Chú thích ảnh
Quấy rối phụ nữ và trẻ em gái trên mạng là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ở Ấn Độ. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, trong những tuần gần đây, nhiều bức ảnh chụp của hơn 80 phụ nữ Hồi giáo đã bị đăng tải lên GitHub, một nền tảng phát triển phần mềm mở, với tiêu đề "Thương vụ của Sulli trong ngày". "Sulli" là tiếng lóng mang ý nghĩa xúc phạm phụ nữ Hồi giáo.

Cô Hana Mohsin Khan - một nữ phi công, một trong số những người bị "rao bán" - nói rằng cô hoàn toàn không hay biết đến khi một người bạn phát hiện và chia sẻ đường dẫn tới "phiên đấu giá”.

“Bức ảnh thứ tư chính là tôi. Họ rao bán tôi như một người nô lệ. Điều này khiến tôi hoảng sợ. Từ đó đến nay, tôi luôn cảm thấy tức giận”, cô Khan nói.

Nền tảng GitHub đã đình chỉ tài khoản tổ chức trang đấu giá. GitHub cho biết hoạt động này vi phạm các chính sách về quấy rối, phân biệt đối xử và kích động bạo lực.

Cảnh sát thủ đô New Delhi đã đệ đơn cáo buộc một số nghi phạm chưa rõ danh tính. 

Cô Sania Ahmad, 34 tuổi, người cũng bị "rao bán" vào tuần trước, cho rằng thủ phạm giấu mặt là những người cuồng đạo Hindu ở Ấn Độ. Những người này đang gia tăng trong những năm gần đây, chuyên đi săn lùng, bôi nhọ, lăng mạ các nhà báo, nhà hoạt động trên mạng xã hội. Thậm chí, họ còn gửi hàng nghìn tin nhắn xúc phạm cho nhiều người khiến họ phải đóng tài khoản mạng xã hội.

Nhà báo Fatima Khan, người cũng nằm danh sách “đấu giá” trên GitHub, viết trên Twitter: “Làm sao có thể chấp nhận được điều này? Hình phạt sẽ như thế nào với những người tạo ra danh sách đó? Đàn ông Hồi giáo bị hành hung, phụ nữ Hồi giáo bị quấy rối và rao bán trên mạng. Khi nào thì những chuyện này mới kết thúc?”.

Chính phủ Ấn Độ chưa đưa ra bình luận về vụ việc, song giới chức phủ nhận đây là hành động chống lại người Hồi giáo.

Theo Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ, các nạn nhân trong vụ “đấu giá” bao gồm nhiều nhà nghiên cứu, nhà phân tích, nghệ sĩ và nhà báo.

Quấy rối phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ở Ấn Độ. Một cuộc khảo sát năm 2020 của tổ chức Plan International có trụ sở tại Anh với 14.000 trẻ em gái ở 31 quốc gia cho thấy hơn một nửa từng là nạn nhân của nạn quấy rối qua mạng.

Hải Vân/Báo Tin tức
Ấn Độ trước nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba do biến thể Delta Plus
Ấn Độ trước nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba do biến thể Delta Plus

Sự xuất hiện của các biến thể Delta và Delta Plus của virus SARS-CoV-2 một lần nữa đặt Ấn Độ vào tình trạng cảnh giác cao độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN