Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết đây là lần đầu tiên một quốc gia phát triển yêu cầu lắp đặt máy quay giám sát (CCTV) ghi lại quá trình phẫu thuật.
Một trong những vụ việc được biết đến nhiều nhất tại Hàn Quốc là trường hợp của sinh viên Kwon Dae-hee, tử vong vì xuất huyết tại Seoul tháng 10/2016 sau 49 ngày hôn mê. Kwon Dae-hee rơi vào tình trạng này sau lần phẫu thuật xương quai hàm.
Mẹ của Kwon Dae-hee là bà Lee Na-geum đã xem lại đoạn video thời lượng hơn 7 tiếng đồng hồ từ máy quay giám sát về quá trình phẫu thuật của con trai. Đoạn video đã chứng minh được cuộc phẫu thuật do một điều dưỡng không đủ trình độ chuyên môn và một bác sĩ thực tập tiến hành, không phải do bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chính như cam kết.
Bà Lee Na-geum chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng sự thật có thể được tiết lộ với những gia đình có người thân qua đời trên bàn mổ nhờ video từ máy quay giám sát và sẽ có không còn những cái chết oan nữa”.
Với đoạn video làm bằng chứng, bà Lee Na-geum đã kiện bệnh viện cùng bác sĩ phẫu thuật chính. Ông này bị kết án ngộ sát và 3 năm tù.
Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để sửa đổi bổ sung Đạo luật Dịch vụ Y tế yêu cầu lắp đặt máy quay giám sát trong phòng mổ, chủ yếu nhằm ngăn ngừa nguy cơ bác sĩ chuyển công việc cho nhân viên không đủ chuyên môn thực hiện phẫu thuật.
Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ tại Hàn Quốc đã ngăn chặn điều này. Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) có 140.000 thành viên và họ cho rằng việc lắp đặt máy quay giám sát là suy giảm lòng tin đối với đội ngũ bác sĩ đồng thời vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân.
Tuy nhiên, một bộ phận bác sĩ lại ủng hộ chính phủ thực hiện yêu cầu này nhằm giảm nguy cơ xảy ra những sự cố trong quá trình phẫu thuật.
Ủy ban Nhân quyền và Chống tham nhũng ở Hàn Quốc trong tháng 6 đã thực hiện khảo sát với 13.959 người dân và thu được kết quả 97,7% ủng hộ lắp đặt máy quay giám sát trong phòng mổ.