Tuyên bố của quân đội Hàn Quốc được đưa ra vài giờ sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết tán thành việc Quốc hội luận tội và phế truất bà Park khỏi chức vụ tổng thống. Phát biểu với báo giới, một sĩ quan cấp cao của quân đội Hàn Quốc khẳng định: "Kế hoạch triển khai THAAD là quyết định của đồng minh và sẽ được thực hiện mà không phụ thuộc vào lịch trình chính trị tương lai".
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao của Mỹ được chuyển đến căn cứ không quân Osan ở Seoul ngày 6/3. Ảnh:EPA/TTXVN |
Hiện Seoul và Washington có kế hoạch triển khai THAAD trong vòng vài tháng tới, trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 5. Những bệ phóng đầu tiên được chuyển từ Mỹ tới Hàn Quốc. Hệ thống radar "X-band" của THAAD sẽ được chuyển đến Hàn Quốc trong tháng 3 này để thử nghiệm tác chiến và sẽ được lắp đặt trong thời gian sớm nhất. Đảng Dân chủ và nhiều đảng thiểu số khác ở Hàn Quốc đang kêu gọi xem xét lại kế hoạch này dưới thời chính phủ mới.
Theo thiết kế, THAAD có thể bắn chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, như Scud hoặc Rodong, với tầm bắn lên tới 3.000 km ở độ cao 40-150 km. THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar X-band và hệ thống kiểm soát.
Dù Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD là một biện pháp phòng vệ trước mối đe dọa Triều Tiên, Trung Quốc vẫn phản đối mạnh mẽ vì cho rằng hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh quốc gia của mình và áp đặt một loạt các biện pháp trả đũa Hàn Quốc kể từ khi thỏa thuận triển khai THAAD được ký kết. Giới chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế hàng năm của Hàn Quốc có thể sụt giảm 0,5% nếu Trung Quốc tiếp tục các đòn trừng phạt kinh tế.