KCC, cơ quan quản lý hoạt động truyền thông của Hàn Quốc, gần đây đã hoàn tất một cuộc điều tra TikTok sau khi có những nghi ngờ rằng nền tảng truyền thông xã hội phổ biến trên thế giới này đã gửi dữ liệu người dùng cho Chính phủ Trung Quốc. KCC cũng cáo buộc TikTok đã không nhận được sự đồng ý của đại diện pháp lý người sử dụng dưới 14 tuổi ở nước này.
Một quan chức của KCC phát biểu với phóng viên tờ Korea Times cho biết cơ quan này sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 15/7 tới về việc có xử phạt TikTok hay không và kết quả sẽ được công bố cùng ngày. KCC đã điều tra TikTok về các cáo buộc sử dụng dữ liệu cá nhân kể từ tháng 10 năm ngoái.
Tại Hàn Quốc, các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải được sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp nếu nhà cung cấp muốn thu thập tên, địa chỉ email hoặc thông tin cá nhân khác của trẻ em theo Đạo luật Bảo vệ thông tin cá nhân.
Nếu KCC quyết định phạt tiền TikTok, công ty cung cấp ứng dụng này có thể phải trả tiền phạt tối đa là 3% doanh thu hằng năm. TikTok được yêu thích trên toàn cầu với hơn 800 triệu người sử dụng. Nền tảng này cho phép người sử dụng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút. Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần để trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới. Tại Hàn Quốc, khoảng 3 triệu người đang sử dụng ứng dụng tạo video này.
Tuy nhiên, ứng dụng này đã bị chỉ trích ở nhiều quốc gia vì quản lý kém dữ liệu cá nhân người sử dụng. Ấn Độ cho biết gần đây nước này sẽ cấm 59 ứng dụng và dịch vụ được sản xuất tại Trung Quốc bao gồm cả TikTok. Sau cuộc xung đột biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, New Delhi đã ra lệnh cho các nhà khai thác viễn thông địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn truy cập vì lý do an ninh. Cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội như một "mối đe dọa an ninh mạng", Mỹ cũng đang xem xét cấm sử dụng ứng dụng TikTok.