Hàn Quốc thâm hụt tài khoản vãng lai hơn 3 tỷ USD

Ngày 4/6, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết tài khoản vãng lai tháng Tư của nước này ghi nhận mức thâm hụt 3,12 tỷ USD, tăng 2,73 tỷ USD so với cùng thời điểm của năm 2019 và được coi là mức thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 1/2011.

Chú thích ảnh
 Người dân tại khu chợ Namdaemun ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/6/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, "Dự toán thâm hụt cán cân quốc tế tháng 4/2020" của BoK đưa ra lý giải rằng mặc dù chi trả cổ tức cho các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm so với cùng thời điểm của năm 2019, nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai là do quy mô thặng dư cán cân hàng hóa giảm mạnh.

BoK cho rằng thặng dư cán cân hàng hóa của Hàn Quốc trong tháng Tư vừa qua đạt 4,79 tỷ USD, giảm 820 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2012 do kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu đạt 33,57 tỷ USD, giảm 16,9%, trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36,39 tỷ USD, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cũng theo BOK, do đại dịch COVID-19 lan rộng ra quy mô toàn cầu cộng với nhu cầu hàng hoá tại các thị trường lớn (như Mỹ và các nước Liên minh châu Âu) giảm mạnh nên hoạt động xuất khẩu bị giảm mạnh. Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu và đơn giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như chip bán dẫn, ô tô cũng đều giảm.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu sụt giảm lại có nguyên nhân từ giá nguyên liệu dầu thô thế giới giảm mạnh dẫn đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sản xuất và sản phẩm tiêu dùng cũng đồng thời suy giảm. Cán cân dịch vụ cũng được ghi nhận mức thâm hụt 1,42 tỷ USD, tăng 150 triệu USD so với năm 2019. Thâm hụt cán cân du lịch trong tháng Tư là 340 triệu USD, giảm 90 triệu USD, do số lượng người xuất nhập cảnh tại Hàn Quốc giảm gần như tuyệt đối (98%) vì đại dịch COVID-19.

Một vấn đề khác là chi phí sử dụng thương hiệu và bằng sáng chế của các công ty công nghệ thông tin chủ lực giảm nên cán cân phí sử dụng sản phẩm sở hữu trí tuệ cũng ghi nhận thâm hụt. Hơn nữa, tháng Tư cũng là thời điểm chi trả cổ tức của các doanh nghiệp, tập đoàn, do hoạt động quyết toán đã diễn ra vào cuối năm 2019. Theo đó, cán cân thu nhập sơ cấp ghi nhận thâm hụt 2,29 tỷ USD. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chủ lực ở Hàn Quốc năm 2019 không khả quan nên giá trị lợi nhuận cổ tức cũng giảm so với cùng kỳ một năm trước.

Theo dự báo của BOK, xu hướng thâm hụt tài khoản vãng lai của Hàn Quốc sẽ không kéo dài. Sau khi các nước kiểm soát được dịch COVID-19, lượng đầu tư chứng khoán của người nước ngoài tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc và của các nhà đầu tư Hàn Quốc ở thị trường nước ngoài sẽ tăng dần đều so với tháng Ba vừa qua.

Anh Nguyên (TTXVN)
Hàn Quốc đề xuất ngân sách bổ sung trị giá tới 29 tỷ USD
Hàn Quốc đề xuất ngân sách bổ sung trị giá tới 29 tỷ USD

Chính phủ Hàn Quốc ngày 3/6 đã đệ trình Quốc hội thông qua khoản ngân sách bổ sung trị giá 35,3 nghìn tỉ won (29 tỷ USD) nhằm vực dậy các ngành chủ chốt của nước này sau cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và bảo toàn số việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN