Hàn Quốc siết chặt quy định giãn cách tại các điểm du lịch nổi tiếng

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, chính quyền các địa phương tại đảo Jeju, tỉnh Gangwon và thành phố Busan, những điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển đẹp ở Hàn Quốc, đang chật vật ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong bối cảnh số lượng du khách tăng từng ngày.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh đó, việc khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 4 kéo dài trong 2 tuần (từ ngày 12-25/7) sẽ khiến lượng người di chuyển ra các tỉnh, thành phố lân cận được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới.

Số liệu thống kê của chính quyền đảo Jeju công bố ngày 13/7 cho thấy hòn đảo xinh đẹp này đã đón trung bình khoảng 34.000 khách du lịch trong tuần đầu tháng 7 và hơn 60% trong số đó khởi hành từ sân bay quốc tế Gimpo ở thủ đô Seoul. Trước nguy cơ lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khi số ca mắc COVID-19 mới trung bình hằng ngày tăng cao, chính quyền tự quản đặc biệt Jeju đã nâng giãn cách xã hội lên cấp độ 2 áp dụng trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 12/7. Theo đó, cấm tụ tập từ 7 người trở lên; các cơ sở giải trí trên đảo chỉ được phép hoạt động đến 20h. Số liệu thống kê cho thấy có hơn 50% số ca mắc COVID-19 trên đảo Jeju là người đến các vùng khác của đất nước hoặc đã tiếp xúc gần với những người nhiễm từ các khu vực khác.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở tỉnh Gangwon. Các bãi biển ở khu vực Yangyang và Sokcho những ngày qua đã đón hơn 26.000 du khách/ngày, tăng hơn 2 lần so với mức trung bình 10.000 người/ngày cùng thời điểm năm 2020. Chính quyền thành phố Gangwon cũng đã quyết định nâng giãn cách xã hội lên cấp độ 2 kéo dài 17 ngày, bắt đầu từ ngày 15/7 tới. Riêng thành phố Chuncheon áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 3.

Một quan chức chính quyền tỉnh Gangwon nêu rõ đã ban hành lệnh hành chính bắt buộc phải đeo khẩu trang ở tất cả các địa điểm trong 17 ngày, bất kể người dân đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa và địa điểm đó có đông người hay không. Để ngăn chặn việc tập trung đông người ở các bãi biển, hiện tổng cộng 83 bãi biển của Gangwon đang vận hành một số hệ thống dịch vụ trực tuyến, trong đó có hệ thống đặt chỗ trước. Chính quyền tỉnh Gangwon cũng cấm du khách uống rượu sau 19h tại 5 bãi biển lớn, trong đó có bãi biển Gyeongpo và Sokcho.

Chính quyền thành phố cảng Busan, phía Nam Hàn Quốc, cũng đã thực hiện các quy định nghiêm khắc về giãn cách xã hội cấp độ 2 để đáp ứng số lượng khách du lịch ngày càng tăng và nguy cơ biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan rộng.

Liên quan công tác phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét triển khai kế hoạch điều trị tại nhà đối với những bệnh nhân không có triệu chứng, trong bối cảnh sự gia tăng liên tục các ca mắc mới, đặc biệt là ở Seoul và vùng phụ cận, có thể dẫn đến tình trạng thiếu giường bệnh.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) nhận định rằng, khác với đợt lây nhiễm thứ 3 (vào mùa Đông năm 2020, thời điểm thiếu giường chăm sóc tích cực cho bệnh nhân nặng), Hàn Quốc hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu giường tại các trung tâm điều trị nội trú - nơi dành cho bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ lưu trú. 

Theo số liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, tính đến ngày 11/7 vừa qua, hơn 75% giường bệnh tại các trung tâm điều trị như vậy ở khu vực thủ đô Seoul đã được sử dụng vì số lượng bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi từ 20-30 chưa thuộc diện được tiêm chủng. Tổng cộng có 33 trung tâm điều trị nội trú đang được vận hành trên khắp Seoul, tỉnh Gyeonggi và thành phố cảng Incheon, với 6.874 giường nhưng hiện tại còn 1.624 giường.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện điều trị ở Daegu, phía Đông Nam Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP/TTXVN

Do số lượng ca mắc mới hằng ngày trên toàn Hàn Quốc duy trì trên 1.000 ca trong 7 ngày liên tiếp và tập trung chủ yếu ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận, hệ thống y tế dành cho bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ có thể gặp vấn đề nghiêm trọng trong những tuần tới.

Người phát ngôn Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Sohn Young-rae cho biết bộ này đang xem xét huy động các trung tâm điều trị ở các khu vực khác bên ngoài thủ đô hoặc xem xét điều trị tại nhà đối với những bệnh nhân không có triệu chứng đang sống một mình.

Giải pháp điều trị COVID-19 tại nhà hiện đang được Hàn Quốc áp dụng đối với những bệnh nhân trẻ em từ 12 tuổi trở xuống (đối tượng cần được cha mẹ hoặc người giám hộ chăm sóc). Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc mở rộng áp dụng cách thức điều trị này đối với những bệnh nhân trẻ tuổi không có triệu chứng hiện đang sống một mình. Người phát ngôn Sohn Young-rae nêu rõ: "Đối với trường hợp điều trị tại nhà, các nhân viên y tế sẽ liên tục theo dõi tình trạng bệnh nhân qua các cuộc điện thoại trao đổi trực tiếp với người bệnh".

Kể từ tháng 5 vừa qua, Hàn Quốc đã thực hiện điều trị tại nhà cho 669 bệnh nhân COVID-19, chiếm 0,66% tổng số bệnh nhân được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, ông Sohn Young-rae lưu ý rằng hiện Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc chưa có kế hoạch mở rộng hệ thống này ngay lập tức vì "ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ thì việc điều trị sẽ hiệu quả hơn nếu người bệnh được nhập viện để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2".

Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực để đảm bảo bổ sung 5.354 giường cho những bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ vào cuối tháng 7 này, phối hợp với chính quyền địa phương khu vực thủ đô và vùng phụ cận bằng cách huy động ký túc xá của các trường đại học và cơ sở lưu trú tại các trung tâm đào tạo thuộc sở hữu nhà nước.

 Anh Nguyên (TTXVN)
Không chỉ dựa vào số ca mắc, Đức thay đổi tiêu chí áp dụng biện pháp hạn chế COVID-19
Không chỉ dựa vào số ca mắc, Đức thay đổi tiêu chí áp dụng biện pháp hạn chế COVID-19

Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng tăng một lần nữa, giới chức y tế Đức ngày 12/7 cho biết cần đánh giá nhiều yếu tố hơn ngoài tỷ lệ lây nhiễm của đất nước để đưa ra quyết định về việc áp dụng các biện pháp hạn chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN