Không chỉ dựa vào số ca mắc, Đức thay đổi tiêu chí áp dụng biện pháp hạn chế COVID-19

Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng tăng một lần nữa, giới chức y tế Đức ngày 12/7 cho biết cần đánh giá nhiều yếu tố hơn ngoài tỷ lệ lây nhiễm của đất nước để đưa ra quyết định về việc áp dụng các biện pháp hạn chế.

Chú thích ảnh
Một sinh viên được tiêm vaccine COVID-19 tại trung tâm tiêm chủng ở Munich ngày 12/7. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, trong hơn một năm qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số ca mắc COVID-19 tính trên 100.000 người mỗi tuần là yếu tố quyết định để Chính phủ Đức dựa vào đó đưa ra các biện pháp hạn chế.

Tuy nhiên, sự phù hợp của dữ liệu giờ đây đã khiến nhiều chuyên gia đặt nghi vấn, cho rằng việc gia tăng các ca mắc COVID-19 không đồng nghĩa với thực trạng có nhiều bệnh nhân nghiêm trọng hơn.

“Vì các nhóm đối tượng nguy cơ cao đã được tiêm vaccine, nên tỷ lệ lây nhiễm cao không đồng nghĩa với gánh nặng gia tăng đối với hệ thống y tế đất nước. Chúng ta cần thêm thông tin chi tiết để đánh giá tình hình tại các cơ sở y tế nhằm đưa ra các biện pháp phù hợp”, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đăng dòng trạng thái Twitter ngày 12/7. Nhà chức trách nhấn mạnh từ ngày 13/7, các bệnh viện cần phải báo cáo thêm thông tin về bệnh nhân đang điều trị COVID-19, bao gồm tên, tình hình sức khỏe và tiêm chủng.

Chính phủ Đức cho biết 58,5% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 42,6% hoàn thành đủ hai liều tiêm. Số lượng liều tiêm phân phối hàng ngày đã giảm nhẹ trong những ngày gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng thái độ “thờ ơ với vaccine” hoặc từ chối tiêm vaccine có thể cản trở nỗ lực đạt “miễn dịch cộng đồng”.

Cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức tuần trước cho biết quốc gia này nên đặt mục tiêu tiêm chủng cho 85% người trong độ tuổi 12-59 và 90% người trên 60 tuổi để ngăn chặn biến thể Delta gây ra làn sóng đại dịch mới trong mùa Thu Đông năm nay.

Người phát ngôn chính phủ Steffen Seibert nhấn mạnh việc theo dõi số ca mắc mới vẫn quan trọng và Đức đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các nước như Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan. Đây là những quốc gia đã nới lỏng các lệnh hạn chế nhưng cũng chứng kiến các ca mắc mới tăng lên.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Luồng ý kiến trái chiều xoay quanh mũi vaccine COVID-19 thứ ba
Luồng ý kiến trái chiều xoay quanh mũi vaccine COVID-19 thứ ba

Khi virus SARS-CoV-2 vẫn lây lan và biến chủng mới xuất hiện, đã có nhiều nước rục rịch chuẩn bị cho chương trình tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ ba. Câu hỏi được đặt ra là liệu thế giới có cần đến mũi tiêm này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN