Hàn Quốc sẽ giữ vai trò tích cực hơn trong nỗ lực phi hạt nhân hóa

Đặc phái viên Hàn Quốc phụ trách các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, ông Lee Do-hoon ngày 20/9 bày tỏ hy vọng Seoul sẽ không chỉ đóng vai trò cầu nối hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng, mà sẽ đóng một vai trò tích cực hơn trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Đặc phái viên phụ trách các vấn đề an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon phát biểu với báo giới tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Phát biểu tại trung tâm báo chí đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm nay, ông Lee Do-hoon cho biết: "Vai trò của Hàn Quốc đến nay là đặt nền tảng hoặc một định hướng (trong tiến trình phi hạt nhân hóa)... nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đóng vai trò tích cực hơn thế".

Đây là lần đầu tiên vấn đề phi hạt nhân hóa được đưa vào chương trình nghị sự chính thức tại một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Trước đây, Bình Nhưỡng từ chối thảo luận vấn đề hạt nhân với Seoul, cho rằng đây là chủ đề cần giải quyết thông qua đối thoại với Mỹ. Nhưng Triều Tiên đã đồng ý thảo luận phi hạt nhân hóa tại cuộc gặp thượng đỉnh vừa kết thúc tại Bình Nhưỡng, trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đóng vai trò "cầu nối" nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán Mỹ - Triều, dựa trên sự tin tưởng mà ông đã xây dựng với nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Ghi nhận bầu không khí tích cực từ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, đặc phái viên Hàn Quốc nhấn mạnh cần tận dụng "cơ hội quan trọng này" để tăng cường các nỗ lực phi hạt nhân hóa đang gặp bế tắc vì sự khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan đến thứ tự các bước giải giáp. Ông cho rằng: "Đây là cơ hội lớn không thể bỏ lỡ. Bộ Ngoại giao và Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết mình trong mọi tiến trình".

Trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng vừa qua, ông Kim Jong-un đã nhất trí phá bỏ bãi thử động cơ tên lửa đạn đạo tầm xa Dongchang-ri dưới sự chứng kiến của các thanh sát viên quốc tế, và có thể phá bỏ tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon nếu Mỹ có "các biện pháp tương xứng". Đặc phái viên Lee hoan nghênh thỏa thuận trên, cho rằng một tiến bộ như vậy sẽ "rất mang tính xây dựng" cho một tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Bình Nhưỡng từ lâu đề nghị ký Hiệp định hòa bình, coi đây là cách đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, song Washington vẫn yêu cầu Triều Tiên phải có các bước đi cụ thể phi hạt nhân hóa trước, như công khai kho vũ khí hạt nhân của mình. Về điểm này, ông Lee Do-hoon cho rằng: "Tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ tạo điều kiện cho các nỗ lực phi hạt nhân hóa". Theo quan chức này, các tiến bộ đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua đã tạo điều kiện tốt cho một tuyên bố như vậy.

Bích Liên (TTXVN)
Thượng đỉnh liên Triều: Triều Tiên sẵn sàng có bước đi cân bằng với Mỹ
Thượng đỉnh liên Triều: Triều Tiên sẵn sàng có bước đi cân bằng với Mỹ

Ngày 20/9, ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới trung tâm báo chí quốc tế ở thủ đô Seoul để thông báo với toàn dân cả nước về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN