Cuộc họp có sự hiện diện của Thủ tướng Chung Sye-kyun, bộ trưởng các ban ngành hữu quan, đại diện đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành (DP), các ủy viên Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia và lãnh đạo các tổ chức kinh tế.
Tổng thống Moon Jae-in cho biết, đường lối chính sách kinh tế của năm 2021 bao gồm việc hồi phục nhanh chóng và mạnh mẽ nền kinh tế đồng thời chuyển đổi lớn sang nền kinh tế dẫn đầu. Trong bối cảnh toàn thế giới đang gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 thì nền kinh tế Hàn Quốc được đánh giá đã trụ vững rất tốt. Bên cạnh đó, thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc cũng đã được cải thiện và nâng tầm.
Trước những diễn biến bất thường của dịch COVID-19, Tổng thống Moon Jae-in lưu ý thêm rằng "cần phải huy động mọi nguồn lực phòng dịch để ngăn chặn làn sóng tái bùng phát COVID-19. Không chỉ dừng lại ở việc đưa nền kinh tế tăng trưởng, chỉ khi nào đời sống của người dân được hồi phục thì khi đó mới có thể coi Hàn Quốc đã khắc phục được hoàn toàn cuộc khủng hoảng COVID-19".
Ông lưu ý cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc cần phải đối phó một cách chủ động với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới. Theo đó, các ban, ngành hữu quan phải huy động mọi phương tiện chính sách để chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện môi trường, lượng khí thải carbon thấp, thực hiện một nền kinh tế số không tiếp xúc, đạt thành quả cụ thể cho Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc (Korean New Deal).
Bên cạnh đó, Tổng thống Moon Jae-in cũng nhấn mạnh đến việc phải tiến hành giải ngân ngân sách năm 2021 một cách kịp thời và đúng đối tượng, nhanh chóng triển khai việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, hỗ trợ cho các tầng lớp, ngành nghề bị thiệt hại do đại dịch COVID-19 mang lại.
Trước đó, theo đánh giá của Bộ Kinh tế và Tài chính (MOEF), Văn phòng Thống kê Quốc gia và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), nền kinh tế của "xứ sở kim chi" đã phục hồi trong quý III/2020 nhưng vẫn đang trong tình trạng suy thoái nếu so với năm 2019. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý III/2020 là 45.780 tỷ won (41,8 tỷ USD), tăng 2,1% so với quý II/2020 (44.820 tỷ won), giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2019 với 46,27 tỷ won.
Theo nhận định của các cơ quan trên, nền tảng kinh tế Hàn Quốc vốn đã bị suy yếu cộng với việc số trường hợp các ca mắc COVID-19 mới được xác nhận gần đây đã vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày thì tình hình hiện tại của Hàn Quốc đang phải đối mặt là "nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và có nguy cơ cao sẽ dẫn đến khủng hoảng làm tê liệt hoạt động kinh tế". Đặc biệt, các nhóm dễ bị tổn thương như lao động tự do, chủ doanh nghiệp nhỏ, lao động tạm thời, thanh niên và phụ nữ là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức.
Khủng hoảng COVID-19 kéo dài có thể dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán cho vay, gây ra rạn nứt trong các nguyên tắc cơ bản như hệ thống tài chính. Do đó, ngày càng có nhiều khả năng xảy ra sự "sụt giảm kép", trong đó nền kinh tế sẽ giảm trở lại vào cuối năm nay và kéo dài ít nhất là đến đầu năm 2021.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Hyundai gần đây đã cảnh báo về "làn sóng sốc kinh tế thứ hai" thông qua một báo cáo về điều kiện kinh tế. Cụ thể, nền kinh tế Hàn Quốc trong quý IV/2020 đang trên đà cải thiện dần dần tiệm cận lại với mức tăng trưởng kinh tế của quý II/2020 nhưng sự suy giảm của tiêu dùng tư nhân vẫn đang ngăn cản một giai đoạn phục hồi kinh tế toàn diện. Nếu làn sóng lây lan quy mô lớn không thể xử lý được xảy ra ở nước ngoài hoặc trong nước, có khả năng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu một đợt sóng suy thoái kinh tế tạm thời trong quý đầu tiên của năm 2021 kéo theo khả năng sụt giảm kinh tế trên diện rộng lần thứ hai.