Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội có thể được nới lỏng để chuẩn bị cho một "cuộc sống bình thường mới", trong đó người dân có thể phải sống chung với sự hiện diện thường xuyên của virus SARS-CoV-2.
Không giống như chính sách phòng dịch hiện vốn tập trung vào việc giảm thiểu số ca mắc mới hàng ngày, chiến lược mới sẽ tập trung vào việc điều trị những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, đồng thời nới lỏng các biện pháp điều trị để giúp người dân trở lại cuộc sống hàng ngày như trước đại dịch.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận được thực hiện với 500 người (trên 18 tuổi) do hãng Realmeter công bố ngày 6/9, có tới 58,5% người Hàn Quốc nói rằng nước này nên áp dụng chiến lược mới vào khoảng đầu tháng 10 tới, 34,3% không đồng ý, trong khi số còn lại không có ý kiến.
Những lời kêu gọi về chiến lược "sống chung với COVID-19" ở Hàn Quốc đã ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở các chủ doanh nghiệp nhỏ, những người đã phải chịu thiệt hại do các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài được áp dụng trong nhiều tháng qua. Theo một liên minh các hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc, tổng số nợ mà các chủ doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc đang gánh đã lên tới 66.000 tỷ won (57 tỷ USD), trong khi 453.000 doanh nghiệp đã đóng cửa kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở nước này hồi tháng 2/2020.
Đáp lại những lời kêu gọi trên, các cơ quan y tế của Hàn Quốc cho hay đang lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch COVID-19 mới ngay sau lễ Chuseok (Tết Trung thu) kéo dài từ ngày 17 đến ngày 23/9, thời điểm sẽ có hơn 70% dân số dự kiến hoàn tất ít nhất một mũi tiêm vaccine. Ngoài ra, quyết định nới lỏng giãn cách xã hội mà Chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 3/9 vừa qua cũng được xem là động thái thăm dò để đi đến quyết định có thực hiện chính sách phòng dịch mới kể từ tháng 10 tới hay không.
Phát biểu trước báo giới ngày 6/9, người phát ngôn Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Sohn Young-rae nhấn mạnh nếu tình hình kiểm soát dịch COVID-19 được duy trì ổn định trong tháng 9 này, bộ trên sẽ thực hiện một số điều chỉnh đối với các biện pháp giãn cách xã hội vào tháng 10 tới để đưa Hàn Quốc tới gần mức bình thường như trước. Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho rằng để xem xét triển khai hệ thống kiểm dịch mới, hơn 80% dân số (và hơn 90% người cao tuổi) cần phải được tiêm phòng ngừa COVID-19 đầy đủ.