Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Nguồn tin từ Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí duy trì lập trường hiện nay là áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và gây sức ép cho đến khi Triều Tiên tự nguyện từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa và trở lại bàn đàm phán.
Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ không đề cập đến việc xem xét bất kỳ giải pháp quân sự nào với Triều Tiên, kể cả việc bao vây bằng hải quân.
Thậm chí, theo quan chức trên, đề xuất này cũng chưa bao giờ được đề cập đến trong cuộc điện đàm với ông Donald Trump. Đây là cuộc hội đàm lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn trong vòng 2 ngày sau khi Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICMB) Hwasong-15, được cho là có thể tầm bắn bao phủ toàn nước Mỹ.
Liên quan đến chương trình hạt nhân Triều Tiên, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao đối với Bình Nhưỡng sau khi những căng thẳng gia tăng liên quan đến vụ phóng tên lửa ICMB mới nhất của Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Mattis cho biết ông "chưa sẵn sàng" thừa nhận nỗ lực ngoại giao đã thất bại, đồng thời nhấn mạnh các bên sẽ tiếp tục phối hợp thông qua Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Mattis tái khẳng định Mỹ mong muốn một giải pháp quân sự, song nếu Triều Tiên đe dọa trực tiếp Mỹ hoặc các đồng minh, không loại trừ giải pháp quân sự sẽ được tính tới.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/11, sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết Đức sẽ cắt giảm số nhân viên tại Đại sứ quán Đức ở Bình Nhưỡng và yêu cầu Triều Tiên cũng giảm sự hiện diện của nhân viên Đại sứ quán của nước này tại Berlin.
Ngoại trưởng Rex Tillerson đã hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức, cho rằng chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Washington đang gây sức ép với các đồng minh để tiến hành các biện pháp trừng phạt sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa ICMB.
Trước đó ngày 30/11, các đại diện của Trung Quốc và Nga đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tìm kiếm giải pháp lâu dài thông qua đối thoại và thương lượng. Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva phản đối các đề xuất của Mỹ phong tỏa kinh tế Triều Tiên, cho rằng chính sách trừng phạt không còn tác dụng.