Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết với giá nhiên liệu tăng mạnh, nhiều lái xe tải lên tiếng đề nghị chính phủ Hàn Quốc áp dụng cố định hệ thống thanh toán tối thiểu có tên “cước vận tải an toàn” vốn dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm nay. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu mở rộng các lợi ích cho người lái xe tải ở những ngành công nghiệp khác.
Vào đầu tuần này, Bộ trưởng Giao thông Won Hee-ryong cho biết hệ thống “cước vận tải an toàn” chưa cải thiện được an toàn cho người lái xe tải mà chỉ giúp họ tăng thu nhập, đó là lý do chính phủ Hàn Quốc ban đầu từ chối kéo dài chương trình này.
Chính phủ Hàn Quốc xác nhận sẽ kéo dài chương trình “cước vận tải an toàn” thêm 3 năm nhưng lại từ chối các yêu cầu khác của Liên đoàn đoàn kết người lái xe tải (CTSU). Trong tháng 6, cuộc biểu tình kéo dài 6 ngày của những người lái xe tải đã gây trì hoãn vẫn chuyển hàng hóa khắp Hàn Quốc, gây thiệt hại trên 1,2 tỷ USD.
Người đứng đầu Liên đoàn đoàn kết người lái xe tải (CTSU) – ông Lee Bong-ju cảnh báo cuộc biểu tình có thể làm đứt nguồn cung dầu mỏ từ các nhà máy lọc dầu cũng như việc vận chuyển tại nhiều cảng chính và nhà máy công nghiệp.
Ông Lee Bong-ju ngày 24/11 cho biết: “Chúng tôi buộc phải ngừng mọi việc vận chuyển tại Hàn Quốc”. Ông Lee Bong-ju đồng thời cảnh cáo rằng giá cả có thể tăng thêm do chi phí vận tải gia tăng.
Thủ tướng Han Duck-soo cùng ngày 24/11 nhấn mạnh: “Nếu cuộc biểu tình tiếp tục, sẽ phát sinh gánh nặng không chỉ lên các lĩnh vực công nghiệp chính mà còn cả đời sống của người dân và cả nền kinh tế quốc gia”.
CTSU đã phát động 16 cuộc biểu tình khắp Hàn Quốc ngày 24/11, trong đó gồm một cảng tại Ulsan nơi đặt nhà máy sản xuất của Hyundai Motor. CTSU có 25.000 thành viên, chiếm khoảng 6% người lái xe tải của Hàn Quốc.