Các hạn chế đối với tên lửa của Hàn Quốc được quy định lần đầu tiên vào năm 1979, khi Hàn Quốc tìm cách có được các công nghệ tên lửa của Mỹ để phát triển tên lửa của nước này, đổi lại, Seoul không phát triển hoặc sở hữu tên lửa có tầm bay quá 800 km. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn ngày 21/5 vừa qua, hai bên thông báo hủy bỏ quy định 1979, theo đó hạn chế nói trên được dỡ bỏ và Hàn Quốc có thể phát triển và sở hữu bất kỳ loại tên lửa nào, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tiên tiến.
Trong một báo cáo trình Quốc hội, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Để tăng cường khả năng phòng thủ sau việc dỡ bỏ các quy định 1979, chúng ta sẽ bổ sung và phát triển các hệ thống quân sự. Chúng ta cũng sẽ phát triển các phương tiện đa dạng phóng tên lửa từ trên không và trên biển".
Trước đó cùng ngày, Triêu Tiên đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ và Hàn Quốc dỡ bỏ các hạn chế về tên lửa, cho rằng động thái này thể hiện cách tiếp cận thù địch của Washington đối với Bình Nhưỡng.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đề cập hoạt động tập trận chung với Mỹ, cho biết hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong vấn đề này. Theo đó, đối với hoạt động diễn tập trong nửa cuối năm nay, giới chức quốc phòng hai bên đã thảo luận những yếu tố liên quan như tình hình đại dịch COVID-19, việc chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến và ủng hộ những nỗ lực ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Đầu tháng này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết do đại dịch, có thể hai nước sẽ không tiến hành tập trận quy mô lớn trong trong tương lai gần. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seung-chan cho biết cuộc tập trận chung mùa Hè năm nay sẽ được tiến hành theo hình thức mô phỏng trên máy tính, không có hoạt động diễn tập ngoài trời.