Trong cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thống nhất Lee Sang-min khẳng định quan điểm kiên định của Hàn Quốc, theo đó Seoul và Bình Nhưỡng nên có cuộc đối thoại do vấn đề này cần được giải quyết thông qua sự đồng thuậngiữa hai bên và các cuộc tham vấn chặt chẽ với các nhà điều hành doanh nghiệp. Ông Lee Sang-min nhấn mạnh chính quyền Hàn Quốc đang tiến hành cuộc đối thoại với các nhà điều hành doanh nghiệp nhằm có các biện pháp ứng phó.
Trước đó, ngày 15/11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Triều Tiên đã gửi tối hậu thư ngày 11/11, nêu rõ nước này sẽ đơn phương dỡ bỏ các cơ sở do Hàn Quốc xây dựng ở khu nghỉ dưỡng núi Kumgang nếu Seoul không tự phá dỡ. Động thái trên diễn ra chưa đầy 3 tuần sau khi Triều Tiên yêu cầu Hàn Quốc dỡ bỏ toàn bộ các cơ sở do nước này xây dựng tại khu nghỉ dưỡng và cho biết sẽ phát triển núi Kumgang thành một khu vực văn hóa và du lịch toàn cầu theo phong cách riêng. Phía Hàn Quốc đã đề xuất tiến hành các cuộc họp cấp chuyên viên, song Triều Tiên bác bỏ đề xuất này và nhất quyết thảo luận vấn đề này với Soul thông qua văn bản.
Tour du lịch núi Kumgang được khởi động từ năm 1998 trong bối cảnh "tan băng" trong quan hệ liên Triều, song đã phải ngừng lại từ năm 2008 sau vụ một nữ du khách Hàn Quốc bị cảnh vệ Triều Tiên bắn chết tại đây. Bình Nhưỡng đã phong tỏa các công trình hạ tầng của Hàn Quốc từ sau khi Seoul ngừng chương trình du lịch. Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhất trí nối lại chương trình du lịch này, cũng như mở cửa trở lại tổ hợp công nghiệp Kaesong khi hội tụ đủ các điều kiện cần thiết. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây thị sát núi Kumgang và kêu gọi phát triển khu vực này mà không cần hợp tác với Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh triển vọng nối lại chương trình du lịch này trong tương lai gần được cho khá mờ nhạt, do bế tắc trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.