Theo thông báo, khoảng 60.000 người nước ngoài đăng ký lưu trú tại Hàn Quốc hết hạn thị thực vào ngày 31/5 tới sẽ tự động được gia hạn thêm 3 tháng. Bộ trên nhấn mạnh việc gia hạn thị thực sẽ giúp giảm bớt số người tới các văn phòng di trú. Tại những khu vực nông thôn, việc di chuyển tới các cơ quan này có thể mất tới 2 giờ đồng hồ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500 đơn xin gia hạn thị thực được nộp lên mỗi ngày.
Đây là lần thứ hai Bộ Tư pháp Hàn Quốc tự động gia hạn thị thực cho người nước ngoài trong khuôn khổ chính sách giãn cách xã hội của chính phủ dự kiến kết thúc vào ngày 19/4 tới. Cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã gia hạn thị thực cho trên 130.000 người nước ngoài đăng ký lưu trú ở nước này.
Trong khi đó, các trường trung học và phổ thông tại Hàn Quốc dự kiến bắt đầu giảng dạy trực tuyến từ ngày 9/4 trong bối cảnh học sinh phải ở nhà để tránh dịch.
Năm học mới ở Hàn Quốc thường bắt đầu vào tháng 3. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hoãn năm học mới 5 tuần, đến ngày 6/4. Tuy nhiên, kế hoạch này lại được sửa đổi khi bùng phát các ca nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc thông báo các kế hoạch trước hết nối lại các lớp học trực tuyến cho học sinh trung học và phổ thông, tiếp đó mở rộng chương trình học từ xa cho các cấp khác. Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia hoãn 2 tuần đến ngày 3/12. Các lớp mẫu giáo và nhà trẻ hiện đã bị hoãn vô thời hạn.
* Tại New Zealand, Chính phủ thông báo kể từ ngày 9/4, mỗi người dân New Zealand khi về nước qua đường hàng không sẽ phải cách ly ít nhất 14 ngày.
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng là đảo quốc, New Zealand có lợi thế trong việc loại trừ virus, nhưng biên giới cũng là nguy cơ lớn nhất bởi chỉ cần một người mắc bệnh thì số ca nhiễm sẽ tăng mạnh. Do đó, bà nhấn mạnh cần phải kiểm soát biên giới một cách chặt chẽ.
Trước đó, New Zealand đã cấm người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 19/3. Biện pháp thực hiện từ ngày 9/4 chủ yếu áp dụng với người New Zealand ở nước ngoài về nước. Thủ tướng Ardern cho biết gần 40.000 người New Zealand đã về nước kể từ ngày 20/3.
New Zealand hiện áp dụng lệnh phong tỏa kéo dài 4 tuần kể từ ngày 25/3.
* Cùng ngày 9/4, cảnh sát Australia đã tiến hành khám xét du thuyền Ruby Princess và thu giữ hộp đen của tàu này. Động thái này được thực hiện trong khuôn khổ một cuộc điều tra hình sự sau khi hàng trăm người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên du thuyền này được phép lên bờ ở thành phố Sydney tháng trước.
Du thuyền Ruby Princess thuộc sở hữu của tập đoàn Carnival Corp đã trở thành điểm nóng dịch COVID-19 tại Australia sau khi nhà chức trách cho phép tàu cập cảng để khách lên bờ tháng trước mà không kiểm tra sức khỏe. Khoảng 400 hành khách sau đó đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và 15 người đã tử vong, chiếm 1/3 trong tổng số 51 ca tử vong do COVID-19 tại Australia. Điều này đã dẫn đến cáo buộc thủy thủ đoàn che giấu bệnh tình của các hành khách khi xin phép được cập cảng.
Cảnh sát Australia đã mở cuộc điều tra hình sự đối với công ty Carnival Australia, khi để hàng nghìn hành khách trên du thuyền lên bờ bất chấp việc có một số người có những biểu giống cúm. Cảnh sát trưởng bang New South Wales Mick Fuller cho biết các nhà điều tra đã lên tàu thẩm vấn thuyền trưởng và thu giữ hộp đen cùng các bằng chứng khác.
Hiện trên tàu vẫn còn khoảng 1.000 thành viên thủy đoàn với nhiều quốc tịch khách nhau. Sau nhiều tuần lênh đênh ngoài biển, du thuyền Ruby Princess đã cập cảng ở Sydney ngày 6/4 để cho phép các bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho các thủy thủ bị ốm, và đưa những trường hợp nặng nhất lên bờ để chữa trị. Du thuyền Ruby Princess có thể ở lại cảng tới 10 ngày để nạp nhiên liệu và tích trữ hàng hóa trước khi rời Australia, song nhà chức trách tuyên bố các thủy thủ không được phép rời tàu trừ phi có tình trạng khẩn cấp.
Cho tới nay, Australia đã ghi nhận trên 6.000 ca mắc COVID-19.