Hàn Quốc cho phép sử dụng thuốc Lagevrio dạng uống

Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Jeon Hae-cheol ngày 21/3 cho biết cơ quan y tế nước này sẽ cho phép sử dụng thuốc kháng virus Lagevrio cho 100.000 bệnh nhân trong tuần này, đồng thời tiếp tục tìm cách sớm mua thêm thuốc điều trị COVID-19 dạng uống trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.

Chú thích ảnh
Thuốc kháng virus Lagevrio điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Misericordia ở Grosseto, Italy, ngày 8/2/2022. Ảnh: Reuters/TTXVN

Lagevrio là tên thương mại của thuốc kháng virus Molnupiravir, do hai hãng dược phẩm Mỹ là Merck và Ridgeback Biotherapeutics cùng phát triển.

Phát biểu tại cuộc họp diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Jeon cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tăng cao đối với loại thuốc điều trị COVID-19 dạng uống. Cuối tuần qua, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) cũng cho biết đang cân nhắc cấp phép sử dụng thuốc Lagevrio cho những bệnh nhân có nguy cơ cao với các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình mà không thể dùng các loại tương tự như Paxlovid của hãng Pfỉzer hoặc Remdesivir của Gilead Sciences, Mỹ.

Bộ trưởng Jeon cũng lưu ý rằng: "Bên cạnh kế hoạch đưa vào sử dụng thuốc Paxlovid cho 95.000 bệnh nhân COVID-19 trong tháng 4 tới, chính phủ cũng đang tìm cách sớm mua thêm thuốc điều trị COVID-19 dạng uống".

Cùng ngày, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết lần đầu tiên kể từ 10 ngày qua số ca mắc mới COVID-19 đã giảm mạnh nhất từ 600.000 ca xuống mức 200.000 ca. Tuy nhiên, hiện vẫn còn lo ngại rằng số ca nhiễm mới có thể tăng vọt trở lại sau khi chính phủ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội trong tuần này.

Số liệu thống kê của KDCA cho thấy Hàn Quốc có thêm 209.169 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.582.815 ca. Số ca nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc thường giảm vào đầu tuần do có ít xét nghiệm hơn vào dịp cuối tuần. Số ca tử vong là 12.757 ca, tăng 329 ca so với một ngày trước đó và hơn 90% là người trên 60 tuổi.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để nhận định rằng làn sóng lây nhiễm biến thể Omircon ở Hàn Quốc bắt đầu có xu hướng giảm. Có phân tích cho rằng tỷ lệ số ca nhiễm biến thể BA.2 (Omircon tàng hình), một biến thể phụ của Omircon, đang ngày càng tăng và có khả năng sẽ trở thành chủng biến thể chính trong tuần này. Dự kiến, từ 2 đến 3 tuần tới là thời điểm số ca tử vong và nặng ở Hàn Quốc sẽ đạt đỉnh, giường bệnh và nhân lực y tế sẽ rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng hơn. Thậm chí, nhân viên đội ngũ y tế cũng có nguy cơ bị lây nhiễm làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu nhân lực. 

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng quy định về phòng dịch trong thời gian 2 tuần. Cụ thể, kể từ ngày 21/3, cho phép số người tụ tập tối đa từ 6 người lên 8 người. Thời gian kinh doanh của các cơ sở như nhà hàng vẫn giữ nguyên là đến 23h00. 

Trước tình trạng tỷ lệ lây nhiễm gia tăng và công suất bệnh viện quá tải, chính phủ cũng đã chuyển từ việc tập trung vào việc ngăn chặn người dân bị lây nhiễm sang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 21/3, những người nhập cảnh Hàn Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ và nộp chứng nhận sức khỏe (như xét nghiệm PCR âm tính) sẽ không phải thực hiện kiểm dịch bắt buộc như trước đây.

Anh Nguyên (TTXVN)
COVID-19 tới 6h sáng 19/3: WHO tuyên bố đại dịch chưa kết thúc; Hàn Quốc nới lỏng dù dẫn đầu thế giới
COVID-19 tới 6h sáng 19/3: WHO tuyên bố đại dịch chưa kết thúc; Hàn Quốc nới lỏng dù dẫn đầu thế giới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,54 triệu ca mắc COVID-19 và 4.267 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 6.092.066 ca. WHO tuyên bố đại dịch chưa kết thúc, trong khi Hàn Quốc nới lỏng giãn cách dù liên tục đứng đầu thế giới về ca mắc mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN