Hàn Quốc đang trong cao trào của làn sóng lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch này bùng phát với số ca nhiễm kỷ lục gần 630.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc vẫn quyết định từ ngày 21/3 cho phép các cuộc tụ tập riêng tư tối đa đến 8 người thay vì 6 người như hiện tại. Giờ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn duy trì đến 23h hằng ngày.
Cũng từ ngày 21/3, khách nhập cảnh vào Hàn Quốc sẽ được miễn quy định tự cách ly 7 ngày nếu có chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ và xác nhận PCR âm tính.
Trước đó, Hàn Quốc đã bãi bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch như áp đặt “giấy thông hành vaccine”, chỉ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, loại bỏ các biện pháp truy vết nguồn lây nhiễm, không bắt buộc xét nghiệm PCR và công nhận kết quả xét nghiệm bằng bộ dụng cụ tự xét nghiệm khi được làm tại cơ sở y tế. Từ đầu tháng 3, các trường học ở Hàn Quốc đã mở cửa trở lại để học sinh đến trường học trực tiếp thay vì trực tuyến.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca nhiễm cộng dồn từ đầu mùa dịch ở Hàn Quốc đã lên đến gần 9 triệu ca với tổng số người tử vong do COVID-19 là gần 12.000 người. Trong 7 ngày qua, số ca mắc COVID-19 bình quân theo ngày là trên 345.000 ca, số trường hợp tử vong bình quân là 230 ca/ngày, tỷ lệ tỷ vong ở mức 0,14% và tỷ lệ tử vong ở độ tuổi dưới 60 gần như bằng 0. Số bệnh nhân nặng dao động trong mức 1.100 đến 1.200 người.
Chính phủ Hàn Quốc cho rằng tỷ lệ tử vong do biến thể Omicron gây ra đã giảm xuống mức của bệnh cúm mùa (0,05 - 0,1%) và với mức độ diễn biến của số ca bệnh nặng và tử vong như hiện tại, cần xem xét kế hoạch chuyển cấp độ đối với dịch COVID-19. Hiện tại, cơ quan chức năng đang bàn thảo việc hạ cấp dịch COVID-19 từ cấp I xuống cấp II.
Trong cuộc họp ứng phó với COVID-19 tuần này, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đã nhấn mạnh việc cần thiết thực hiện hạ cấp nhằm thích ứng với những thay đổi trong tình hình dịch bệnh và cho phép hệ thống y tế trở lại hoạt động bình thường. Ông cũng kêu gọi nhân viên y tế thay đổi cách điều trị và đối phó với dịch COVID-19 trong bối cảnh mới.
Hàn Quốc quy định và phân loại mức độ đe dọa của các bệnh truyền nhiễm theo 4 cấp. Thấp nhất là cấp IV, cao nhất là cấp I. Ngoài COVID-19, các bệnh truyền nhiễm cấp I bao gồm hội chứng hô hấp cấp tính, hội chứng hô hấp Trung Đông, Ebola, cúm H1N1 và bệnh đậu mùa.
Luật pháp quy định nếu xác định là bệnh truyền nhiễm cấp I thì phải báo cáo ngay cho chính phủ và vận hành hệ thống theo dõi cập nhật. Các cấp độ khác không có yêu cầu này. Vì vậy, nếu thay đổi cấp độ dịch COVID-19 xuống cấp II đồng nghĩa với việc sẽ có thay đổi đáng kể trong biện pháp quản lý dịch bệnh. Trước tiên là sẽ bỏ việc thống kê và quản lý số ca lây nhiễm và điều trị theo thời gian thực như từ trước đến nay. Tại các bệnh viện, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc cách ly cũng sẽ không cần duy trì khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, nếu không phải là dịch bệnh cấp I thì chi phí điều trị cũng sẽ không được dịch vụ bảo hiểm y tế quốc gia miễn trừ.
Trong khi các chuyên gia y tế của chính phủ cho rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần này đang đạt đỉnh và cần hướng tới việc ứng phó mới nhằm đưa hệ thống y tế trở lại hoạt động bình thường, vẫn có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình hình lây nhiễm dịch bệnh hiện nay và cách thức đối phó của chính phủ.
Với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, Hàn Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng những loại thuốc điều trị thông thường. Báo JoongAng Ilbo ngày 16/3 cho biết nhiều cơ sở y tế tư nhân ở Seoul đang thiếu hụt nghiêm trọng các loại thuốc phổ thông để kê cho bệnh nhân như thuốc cảm, thuốc giảm ho, sirô long đờm. Các cơ sở hỏa táng ở Seoul cũng đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng do số người tử vong vì COVID-19 tăng mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng việc chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng dịch là nhằm tránh sự phản đối của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch suốt hơn hai năm qua. Giáo sư Choi Jae-wook, chuyên gia y tế dự phòng thuộc trường Đại học Hankuk cho rằng “Omicron không thể được coi tương tự như bệnh cúm vì bệnh cúm không cướp đi sinh mạng của 2.000 người chỉ trong ba tuần, cũng như không lây nhiễm trên 500.000 người/ngày”. Giáo sư Choi Jae-wook cũng cho rằng việc chính phủ kêu gọi thay đổi phân loại dịch COVID-19 là “quá sớm” và tình trạng dịch bệnh diễn biến còn khó dự đoán.
Tiến sĩ Jung Jae-hun, chuyên gia tư vấn COVID-19 của chính phủ nhận định chưa đến thời điểm để có thể xem xét hạ cấp độ dịch COVID-19 trong giai đoạn dịch đang bùng phát như hiện nay. Theo ông, kể từ khi nước này vận hành hệ thống phân loại bốn cấp độ, chưa có bệnh truyền nhiễm nào ban đầu được xác định là cấp I mà sau đó được hạ xuống cấp độ thấp hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đang đẩy nhanh cải thiện hệ thống y tế để ứng phó với sự gia tăng ca mắc nguy kịch và ca tử vong do COVID-19. Các cơ quan y tế Hàn Quốc đã chuyển trọng tâm sang điều trị các trường hợp nghiêm trọng và ngăn ngừa tử vong, chấm dứt chương trình truy vết nghiêm ngặt vốn được coi là một chiến lược ngăn chặn thành công trong những ngày đầu của đại dịch. Các ca mắc COVID-19 ở thể trung bình có thể được điều trị tại giường bệnh dành cho bệnh nhân thông thường. Các ca bệnh là người trên 60 tuổi sẽ được cơ sở y tế kê thuốc ngay lập tức. Học sinh và nhân viên nhà trường nếu không có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn có thể đến trường, ngay cả khi các thành viên trong gia đình họ đang mắc COVID-19.
Để kiềm chế sự gia tăng số ca mắc COVID-19 hằng ngày, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào cuối tháng này, đồng thời triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba ngừa COVID-19 từ ngày 14/3 cho thanh thiếu niên (từ 12-17 tuổi) đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng hai liều trước đó tối thiểu 3 tháng.
Việc số ca mắc mới hằng ngày tăng kỷ lục những ngày gần đây cho thấy con đường trở lại cuộc sống bình thường của Hàn Quốc còn khá chông gai, đòi hỏi chính phủ phải có những chính sách phù hợp nếu muốn thực hiện được những cam kết mà Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đưa ra, là quản lý hiệu quả dịch bệnh và phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hỗ trợ hợp lý cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch và điều chính biện pháp chống dịch hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực cho người dân.