Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo của Ủy ban Giáo dục của Quốc hội Hàn Quốc cho biết, theo số liệu từ Bộ Giáo dục, từ năm 2019 đến năm 2023, số lượng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nghỉ việc trước khi nghỉ hưu chính thức đã tăng lên tổng cộng là 32.704 người. Số lượng đơn từ nhiệm đã tăng đáng kể, từ 5.937 vào năm 2019 lên 7.404 vào năm 2023. Đồng thời, những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi - giáo viên có hơn 20 năm công tác được nghỉ hưu sớm, cũng tăng từ 5.242 vào năm 2021 lên 6.480 vào năm 2023. Tính từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay, có 3.367 giáo viên đã nghỉ việc, trong đó 2.614 người lựa chọn nghỉ hưu sớm và 753 người tự nguyện thôi việc.
Đáng chú ý là, ngày càng có nhiều giáo viên trẻ có ít hơn 10 năm kinh nghiệm rời bỏ nghề. Theo số liệu từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2023 đến tháng 2 năm nay, có 576 giáo viên có dưới 10 năm công tác đã nghỉ việc, tăng so với 448 giáo viên của năm 2020.
Sự gia tăng các trường hợp tự nguyện thôi việc, cho phép giáo viên nghỉ việc bất kể số năm phục vụ của họ, cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng trong ngành giáo dục Hàn Quốc. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ nghỉ việc tăng là do một số yếu tố, bao gồm sự tôn trọng đối với nghề giáo giảm sút, khó khăn trong việc quản lý học sinh và chế độ đãi ngộ không thỏa đáng.
Cuộc khảo sát do Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc (KFTA) tiến hành vào tháng 8 vừa qua cho thấy 86% giáo viên ở độ tuổi 20 và 30 đã cân nhắc bỏ nghề vì không hài lòng với mức lương của mình. Ngoài ra, một trong những yếu tố chính khiến giáo viên bỏ việc là áp lực từ phía cha mẹ học sinh do thiếu tôn trọng đối với nghề giáo.