Hàn Quốc bàn về hợp tác khu vực trong khuôn khổ ASEAN+3

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Kim Gunn là trưởng đoàn của Hàn Quốc tham dự Hội nghị Quan chức Cấp cao ASEAN + 3 (SOM) đã được tổ chức trực tuyến sáng 22/6 (giờ Seoul).

Chú thích ảnh
Sáng 22/6 (giờ Seoul), Hội nghị Quan chức Cấp cao ASEAN + 3 (SOM) đã được tổ chức trực tuyến. Thứ trưởng Ngoại giao Kim Gunn (Hàn Quốc) tham dự với tư cách trưởng đoàn. Ảnh: TTXVN phát

Thông cáo nêu rõ tại cuộc họp, các đại biểu đã xem xét tình hình hợp tác giữa ASEAN và 3 nước đối tác là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc trong từng lĩnh vực như y tế, kinh tế/tài chính và an ninh lương thực và đặc biệt là các phương hướng hợp tác trong tương lai sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, phía Hàn Quốc cũng giải thích và trao đổi về Chính sách hướng Nam mới cũng như tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, sau cuộc họp trên dự kiến sẽ có một loạt cuộc họp cấp cao liên quan đến ASEAN như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Cụ thể, Thứ trưởng Kim Gunn đã trao đổi với các nước ASEAN về sự ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 chẳng hạn như việc thành lập “Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN” và “Kho dự trữ vật tư y tế ASEAN”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực để nâng cao năng lực y tế. Ông Kim Gunn cho biết Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực y tế của ASEAN trong Chính sách hướng Nam mới. Về vấn đề hợp tác vaccine, ông nhắc lại tầm quan trọng của sự hợp tác này, sự đóng góp của Chính phủ Hàn Quốc vào cơ chế chia sẻ vaccine phòng COVID-19 cho các nước đang phát triển COVAX và giới thiệu kế hoạch trở thành trung tâm vaccine toàn cầu của Hàn Quốc cũng như thông báo việc Hàn Quốc sẽ đồng tổ chức một diễn đàn về vaccine ngừa COVID-19.

Ông Kim Gunn cũng nêu ra những nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm ứng phó với dịch COVID-19 theo Chính sách hướng Nam mới trong các lĩnh vực tài chính, thương mại/đầu tư, nối lại xuất nhập cảnh, đảm bảo an ninh lương thực và môi trường liên quan đến sự phục hồi kinh tế toàn diện và bền vững trong khu vực và hợp tác giữa các nước ASEAN + 3. Đặc biệt, ông cho hay Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét các biện pháp khác nhau với sự tham vấn của các bộ liên quan, chẳng hạn như tạo điều kiện thông hành nhanh chóng cho các doanh nhân, công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 và thiết lập khu du lịch an toàn để nối lại việc đi lại an toàn qua biên giới.

Cũng theo thông cáo nói trên, Trung tâm Hợp tác Tài chính ASEAN-Hàn Quốc, dự kiến khai trương trong năm nay, được kỳ vọng sẽ đóng góp vào hợp tác tài chính khu vực. Trong khi đó, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sớm có hiệu lực là rất quan trọng để tạo ra một môi trường thương mại và đầu tư cởi mở và Quốc hội các nước cần nhanh chóng hoàn tất việc phê chuẩn thỏa thuận này. Về vấn đề an ninh lương thực trở nên nổi cộm hơn sau đại dịch COVID-19, phía Hàn Quốc đã trình bày các hoạt động hỗ trợ của nước này thông qua sự hợp tác với Chương trình dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN + 3 và Hệ thống thông tin lương thực ASEAN + 3.

Về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, ông Kim Gunn cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Hàn - Mỹ đã đặt ra một nền tảng ngoại giao quan trọng để nối lại đối thoại với Triều Tiên. Ông nhấn mạnh ngoại giao và đối thoại là điều cần thiết để phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Phía Hàn Quốc đề nghị các nước tham dự cuộc họp kiên định hỗ trợ.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Chính phủ nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy hợp tác trong ASEAN + 3 và hy vọng kinh nghiệm hợp tác tích lũy được có thể giúp Hội nghị Ngoại trưởng và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 năm nay đạt được những kết quả tốt.

Mạnh Hùng (TTXVN)
ASEAN+3 kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh nhờ vaccine ngừa COVID-19
ASEAN+3 kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh nhờ vaccine ngừa COVID-19

Các nền kinh tế châu Á, vốn chịu tác động mạnh do đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay nhờ việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, song khu vực sẽ đối mặt với những rủi ro do chênh lệch về tốc độ tiêm chủng giữa các nước và sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN