Diễn đàn có sự tham dự của các quan chức cao cấp, đại diện chính phủ, học giả nổi tiếng, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu khu vực, đại diện doanh nghiệp từ 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các khách mời từ các tổ chức quốc tế và khu vực.
Phát biểu khai mạc, trong vai trò Chủ tịch khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 năm 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam nhấn mạnh, hợp tác ASEAN+3 được thành lập năm 1997 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính khu vực, có thế mạnh là khả năng chủ động ứng phó các thách thức, trong đó có những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh SARS 2003, khủng hoảng kinh tế-tài chính 2008, và hiện nay là đại dịch COVID-19. Thứ trưởng trông đợi Diễn đàn sẽ đề ra được những phương hướng và biện pháp triển khai hiệu quả "Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường hợp tác nâng cao năng lực tự cường kinh tế và tài chính trước các thách thức đang nổi lên" một sáng kiến của Việt Nam, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 vừa qua, hướng tới thúc đẩy phục hồi tổng thể và toàn diện, nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó trước những cú sốc và khủng hoảng trong tương lai, đảm bảo ổn định tài chính-kinh tế vĩ mô khu vực.
Trong vai trò đồng chủ trì tổ chức, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy (Luo Zhaohui) khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác duy trì chuỗi cung ứng mở, kết nối, an toàn và ổn định, vừa thúc đẩy hội nhập khu vực vừa ứng phó với dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đề xuất cần tăng cường khai thác hơn nữa tiềm năng của các thị trường mới nổi, đẩy mạnh trao đổi, phối hợp chính sách tài chính nhằm xây dựng mạng lưới an toàn tài chính khu vực, đưa Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sớm có hiệu lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 5G, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử...
Phát biểu tại Diễn đàn, các quan chức cao cấp và chuyên gia hàng đầu của các nước ASEAN+3 nêu nhiều đề xuất hợp tác thiết thực như lập trung tâm hợp tác tài chính khu vực nhằm hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực trong lĩnh vực tài chính, tạo thuận lợi đi lại của người dân và doanh nghiệp thông qua triển khai lối đi nhanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khắc phục hậu quả của dịch bệnh và phục hồi sản xuất kinh doanh thông qua các gói hỗ trợ tài chính, đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng cao, thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ trong các hoạt động thương mại, đầu tư và giao dịch tài chính giữa các nước ASEAN+3.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về mở rộng hợp tác về công nghệ tài chính, tăng cường thanh toán số và thương mại điện tử, cùng với nhu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng ứng dụng công nghệ mới, nhất là tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và hạn chế năng lượng hóa thạch nhằm nâng cao tính bền vững của các nền kinh tế. Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững ở các tiểu vùng nhằm đẩy nhanh nỗ lực phát triển kinh tế toàn diện và bền vững của khu vực.
Để ứng phó kịp thời và hiệu quả với những cú sốc kinh tế và tài chính từ bên ngoài, các chuyên gia tham dự Diễn đàn nhất trí cần tăng cường hệ thống giám sát kinh tế vĩ mô và năng lực cảnh báo sớm, phối hợp chính sách kinh tế và tài chính giữa các nước, củng cố và tăng cường các cơ chế ổn định kinh tế-tài chính khu vực như CMIM, AMRO, ABMI... Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực liên kết kinh tế khu vực, bảo đảm duy trì kết nối chuỗi cung ứng, triển khai hiệu quả các FTA+1 giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và thúc đẩy Hiệp định RCEP sớm có hiệu lực và đi vào triển khai đầy đủ.
Kết quả trao đổi tại Diễn đàn Đông Á lần thứ 18 sẽ được trình lên các Quan chức Cao cấp ASEAN+3 làm cơ sở đóng góp triển khai các cam kết của Lãnh đạo các nước ASEAN+3 về nâng cao năng lực tự cường kinh tế và tài chính trước các thách thức đang nổi lên.