Siêu trăng đầu tiên sẽ đạt cực đại vào lúc 14h32 chiều 1/8 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 18h32 tối cùng ngày tại Việt Nam. Những người yêu thiên văn ở nhiều khu vực thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông sẽ có cơ hội quan sát hành tinh này tỏa sáng tối đa trên bầu trời đêm ở khoảng cách 357.530 km từ Trái đất.
Siêu trăng thường sáng hơn và to hơn các kỳ trăng rằm khác do chúng ở khoảng cách gần hơn so với Trái đất.
Sự kiện trăng rằm tuần này còn được gọi là “trăng cá tầm” vì xảy ra trùng với thời điểm dễ đánh bắt cá nhất trong năm tại các hồ chứa nước lớn ở khu vực biên giới Mỹ - Canada.
Tiếp đến, vào ngày 30/8, trăng tròn sẽ di chuyển vào điểm tiệm cận nhất so với hành tinh của chúng ta nhất trong năm nay - cách khoảng 357.344 km - khiến nó trở thành một siêu trăng xanh hiếm gặp.
Trăng xanh, theo cách nói thông thường, đề cập đến lần trăng tròn thứ hai xảy ra trong cùng một tháng dương lịch. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra hai năm rưỡi một lần. Ví dụ, lần trăng xanh gần đây nhất xảy ra vào tháng 10/2020.
Siêu trăng xanh ngày 30/8 sẽ đạt cực đại lúc 21h36 tối và kéo dài đến đêm 31/8. Đáng lưu ý, trăng rằm thứ hai của tháng 8 sẽ không có màu xanh, mặc dù có tên gọi như vậy.
Theo bách khoa toàn thư Encyclopaedia Britannica, thuật ngữ “trăng xanh” bắt nguồn từ một thành ngữ của thế kỷ 16, trong đó đề cập đến một điều gì đó không bao giờ hoặc hiếm khi xảy ra.
Không phải tất cả các trăng xanh đều là siêu mặt trăng. Và điều này làm cho kỳ trăng tròn ngày 30 tháng 8 trở nên đặc biệt hơn. Lần tiếp theo hai siêu trăng xảy ra trong cùng một tháng sẽ là tháng 1/2037, theo dữ liệu của Espenak.