Nghị quyết thứ nhất, được Hạ nghị sĩ Tom Suozzi của đảng Dân chủ đệ trình từ tháng 4, nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Hàn và những đóng góp của cộng đồng gốc Hàn Quốc ở Mỹ. Nghị quyết nêu rõ Hạ viện công nhận vai trò then chốt của liên minh Mỹ - Hàn trong việc thúc đẩy nền hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; kêu gọi tăng cường và mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh song phương. Viện dẫn việc những người nhập cư Hàn Quốc đầu tiên đến Mỹ cách đây gần 120 năm, nghị quyết cũng nêu bật vai trò quan trọng của hơn 2 triệu người Mỹ gốc Hàn Quốc vì những đóng góp vào "sự đa dạng và thịnh vượng" của nước Mỹ.
Nghị quyết thứ hai, được Hạ nghị sĩ Ami Bera của đảng Dân chủ đệ trình trong tháng 6, hoan nghênh các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng như những đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Hàn Quốc. Theo nghị quyết này, Hạ viện Mỹ khuyến khích mối quan hệ gắn bó và bền vững giữa nhân dân và chính phủ hai nước, cũng như những đóng góp của gần 2 triệu người Mỹ gốc Hàn Quốc đối với xã hội hai bên. Nghị quyết cũng kêu gọi sớm hoàn tất đàm phán giữa Washington và Seoul về Hiệp định Các biện pháp Đặc biệt (SMA), vốn đang bị định trệ do những bất đồng liên quan đến phần đóng góp của Hàn Quốc để duy trì 28.500 binh sĩ Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.
Hàn Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, hai nước vẫn đang bất đồng trong vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng. Từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc theo SMA.
Năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước đó. Seoul đề xuất trong năm nay sẽ tăng phần đóng góp này thêm 13%, nhưng phía Washington muốn mức tăng 50% lên 1,3 tỷ USD. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, giới chức hai nước đã tiến hành tổng cộng 6 vòng đàm phán nhưng không hóa giải được những khác biệt.