Hạ viện Mỹ có thể thay đổi chính sách đối ngoại sau bầu cử giữa nhiệm kỳ

Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, với việc giành thế đa số tại Hạ viện Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2011, phe Dân chủ được cho là sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách chi tiêu và soạn thảo luật.

Chú thích ảnh
Những người ủng hộ Đảng Dân chủ trong buổi vận động bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ tại Boston, Massachusetts ngày 6/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nghị sỹ đảng Dân chủ sẽ tận dụng thế đa số mới để đảo ngược những gì mà họ cho là cách tiếp cận theo chủ trương không can thiệp của các nghị sỹ đảng Cộng hòa đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, và sẽ thúc đẩy biện pháp ứng phó cứng rắn hơn với Nga, Saudi Arabia và Triều Tiên.

Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eliot Engel, người nhiều khả năng trở thành Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện, cho biết phe Dân chủ cũng có thể thúc đẩy thông qua việc sử dụng vũ lực tại những nơi như Iraq và Syria. Tuy nhiên, với một số hồ sơ khác như Trung Quốc và Iran, ông thừa nhận ít khả năng thay đổi hiện trạng. 

Đối với Nga, phe Dân chủ sẽ thúc đẩy việc tăng cường trừng phạt chống Moskva, bao gồm các biện pháp nhằm vào nợ công của Nga. Hạ viện cũng sẽ gây sức ép, buộc Tổng thống Trump thực thi toàn bộ lệnh trừng phạt nêu trong một đạo luật mà ông Trump đã miễn cưỡng ký ban hành thành tháng 8/2017.

Liên quan tới mối quan hệ với Saudi Arabia sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi sát hại, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát sẽ bỏ phiếu ủng hộ đạo luật ngăn chặn các thương vụ vũ khí với Riyadh. Dù xem Saudi Arabia là đối trọng với tầm ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, nhưng ông Engel cho rằng Washington cần đòi hỏi nhiều hơn từ Riyadh.

Về vấn đề Triều Tiên, phe Dân chủ tuyên bố sẽ quyết tâm yêu cầu thêm thông tin về nội dung các cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời bày tỏ lo ngại ông Trump quá hào hứng đạt được “một thỏa thuận vĩ đại” đến mức nhượng bộ Bình Nhưỡng quá nhiều. 

Trong chính sách với Trung Quốc, phe Dân chủ không có kế hoạch thay đổi lớn so với phe Cộng hòa. Họ có thể tổ chức nhiều cuộc điều trần và yêu cầu cung cấp thông tin, nhưng thái độ chỉ trích Bắc Kinh đã vượt qua ranh giới lưỡng đảng, vì vậy sẽ không có thay đổi. Nghị sĩ Adam Schiff, người có thể trở thành Chủ tịch Ủy ban Tình báo, là người ủng hộ các biện pháp của phe Cộng hòa nhằm kiềm chế Trung Quốc, trong đó có đạo luật coi tập đoàn ZTE và công ty công nghệ Huawei là các mối đe dọa an ninh mạng.

Tuy nhiên, nghị sĩ Engel và nhiều nghị sĩ khác thừa nhận Mỹ cần Trung Quốc như một đối tác, đặc biệt là trong cách đối phó với Triều Tiên. Cũng giống phe Cộng hòa, phe Dân chủ đang chia rẽ trong cuộc chiến tranh thương mại của ông Trump với Trung Quốc. Một số thành viên Dân chủ cho rằng thương mại tự do là cỗ máy tạo việc làm, trong khi nhiều người khác ủng hộ áp thuế để bảo vệ người lao động trong các ngành công nghiệp như thép và chế biến.

Về thỏa thuận hạt nhân Iran, rất ít khả năng phe Dân chủ sẽ thay đổi chính sách chừng nào phe Cộng hòa còn chiếm lĩnh Nhà Trắng. Mặc dù ông Engel là một trong số các nghị sỹ đảng Dân chủ phản đối thỏa thuận hạt nhân, song ông cho rằng Tổng thống Trump nên hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh quan trọng, như các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), về vấn đề này và nhiều vấn đề khác.

Bích Liên (TTXVN)
Những ứng cử viên làm nên lịch sử bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ
Những ứng cử viên làm nên lịch sử bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Các chiến dịch tranh cử đột phá đã phá vỡ những rào cản của cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2018 với sự xuất hiện của các ứng cử viên lần đầu tiên, làm thay đổi diện mạo Quốc hội và các bang khắp nước Mỹ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN