Với 27 phiếu thuận (của các nghị sỹ đảng Cộng hòa) và 17 phiếu chống (của các nghị sỹ đảng Dân chủ), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler đã được phép công bố các tài liệu của ông Mueller cũng như các tài liệu và lời khai của 5 cựu trợ lý của Tổng thống Donald Trump, gồm luật sư Nhà Trắng Donald McGahn, Cố vấn chính trị Steven Bannon, Giám đốc liên lạc Hope Hicks, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và Trợ lý luật sư Nhà Trắng Ann Donaldson.
Cuộc bỏ phiếu này đã làm gia tăng sức ép của Quốc hội đối với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr, người dự định công bố bản sao chép đã qua biên tập của báo cáo điều tra dài gần 400 trang, muộn nhất là vào giữa tháng 4 này. Ông Nadler và các nghị sĩ Dân chủ có ảnh hưởng khác đã kêu gọi công bố cho các nghị sĩ bản báo cáo đầy đủ, không qua biên tập.
Nhóm này yêu cầu Bộ trưởng Barr phải đưa ra bản đầy đủ trước hạn chót là ngày 2/4. Các nghị sỹ Dân chủ lo ngại rằng ông Barr có thể sử dụng các báo cáo đã qua biên tập để "che giấu" chứng cớ về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump với Moskva.
Trước đó, ngày 24/3 vừa qua, Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ đã công bố một bản tóm tắt các kết luận điều tra của Công tố viên Muller trước Quốc hội, trong đó cho biết ông Muller đã không thể tìm được bằng chứng nào khẳng định mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump với Moskva.
Ngoài ra, bản tóm tắt cũng cho biết ông Mueller đã không thể kết luận liệu Tổng thống Trump có cản trở công lý bằng cách cản trở cuộc điều tra hay không. Trong khi Tổng thống Trump và Nhà Trắng hoan nghênh bản tóm tắt này thì các chủ tịch của 6 ủy ban thuộc Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát lại gây áp lực buộc Bộ trưởng Barr công bố bản kết luận điều tra đầy đủ cũng như chứng cứ cơ bản.