Google bác bỏ chia sẻ doanh thu quảng cáo với các hãng tin Australia

Ngày 1/6, Google đã bác yêu cầu trả hàng trăm triệu USD mỗi năm để bồi thường cho các hãng tin của Australia theo thỏa thuận chia sẻ doanh thu quảng cáo do Chính phủ Australia đưa ra.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Google bên ngoài tòa nhà văn phòng ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ban lãnh đạo Google tại Australia nêu rõ tập đoàn này chỉ thu về 10 triệu AUD/năm (6,7 triệu USD/năm) từ hoạt động quảng cáo liên quan đến tin tức, một phần nhỏ so với tính toán của chính quyền sở tại. Trước đó, Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) ước tính mỗi năm Google và Facebook thu về 6 tỷ AUD/năm (4 tỷ USD/năm) từ hoạt động quảng cáo. Các nhà xuất bản hàng đầu đã yêu cầu hai công ty này phải trả ít nhất 10% số tiền thu được liên quan đến các hãng tin địa phương, khi cho rằng họ đã mất phần lớn doanh thu quảng cáo vào tay các hãng công nghệ lớn trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Google tại Australia Mel Silva cho rằng những con số này là phi thực tế. Theo bà, năm ngoái Google chỉ kiếm được 10 triệu AUD (6,7 triệu USD) từ đăng quảng cáo cạnh lệnh tìm kiếm liên quan đến tin tức. Bà nêu rõ phần lớn doanh thu của Google không phải liên quan đến lệnh tìm kiếm tin tức, mà từ các nội dung thương mại. Tin tức chỉ chiếm một phần nhỏ trong lệnh tìm kiếm người dùng thực hiện trên Google, tương đương 1% trong tổng số các lệnh tìm kiếm trên Google tại Australia. 

Bà Silva cũng bác bỏ tuyên bố của ACCC, trong đó cho rằng các hãng công nghệ nhận được các lợi ích gián tiếp từ việc hiển thị tin tức. Bà khẳng định chính Google mới giúp cho các hãng tin tại Australia nhận được nhiều lượt truy cập thông qua công cụ tìm kiếm, qua đó tăng doanh thu nhờ việc đăng quảng cáo hoặc buộc người xem trả phí. Google ước tính hãng đã đóng góp tới 3,44 tỷ lượt xem cho các hãng tin của Australia trong năm 2018, tương đương với khoản phí giới thiệu trị giá tới 200 triệu AUD/năm (134,5 triệu USD) cho các hãng tin.

Trước đó, ngày 19/5,  ACCC đã đề nghị các công ty truyền thông nước này "tẩy chay tập thể" Google và Facebook nhằm buộc các "đại gia" công nghệ trên phải trả tiền cho những thông tin mà họ đăng tải trên các nền tảng. Ý tưởng này nằm trong một loạt biện pháp được ACCC thúc đẩy nhằm yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền, coi đây là quy tắc ứng xử bắt buộc mà các hãng trên phải thực thi. Các cơ chế khác được ACCC đưa ra bao gồm đàm phán song phương giữa các tổ chức truyền thông của Australia với Google và Facebook cũng như các cuộc thương lượng chung với toàn bộ các công ty truyền thông của nước này.

Do độ lan tỏa và sức mạnh của Google và Facebook trên phạm vi toàn cầu, ACCC cho rằng cần có một khuôn khổ thương lượng thay thế nếu đàm phán trực tiếp thất bại. Theo ủy ban này, việc tẩy chay hoặc đe dọa tẩy chay tập thể có thể khiến Google và Facebook đưa ra một mức phí phù hợp cho việc sử dụng thông tin của các hãng truyền thông. Cuối tháng Bảy là hạn chót để ACCC hoàn tất bộ quy tắc này.

Giám đốc Silva khẳng định Google sẵn sàng tham gia vào quá trình đàm phán trên, song nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra quyết định "dựa trên thực tế, chứ không phải những con số thiếu chính xác và nhận định vô căn cứ".

Ước tính có tới 98% người dân Australia sử dụng công cụ Google để tra cứu thông tin trên điện thoại di động.

Đặng Ánh (TTXVN)
Google Maps bổ sung tính năng mới hỗ trợ doanh nghiệp địa phương
Google Maps bổ sung tính năng mới hỗ trợ doanh nghiệp địa phương

Ngày 27/5, ứng dụng bản đồ Google Maps đã bổ sung một số tính năng mới giúp kết nối người dùng với các doanh nghiệp địa phương đang chật vật tồn tại trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN