Giới trẻ Trung Quốc chật vật tìm việc làm

Cũng như nhiều thanh niên Trung Quốc khác, Ma Jingjing - một sinh viên tốt nghiệp ngành sinh học, đã phải đi khắp mọi nơi trong hội chợ việc làm, vừa được tổ chức tại một tỉnh miền Trung nước này, với hy vọng có thể tìm được việc trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động mạnh tới nền kinh tế. 

Ma Jingjing, 26 tuổi, là một trong gần 9 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và gia nhập thị trường việc làm ở Trung Quốc đúng vào thời điểm nhiều biến động trong năm 2020. Thống kê cho thấy dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể đã phục hồi mạnh sau khi suy giảm sâu do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp trong tháng 6 vừa qua đã cao gấp 3 lần so với mức thất nghiệp ở thành thị. Và đây cũng là lý do mà Ma Jingjing cùng hàng trăm bạn trẻ tham gia hội chợ việc làm, được tổ chức ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm dịch COVID-19 khi chờ xe buýt tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN

Có thể nói Ma Jingjing và nhiều bạn trẻ ở Trung Quốc đều đang "bấu víu" vào các hội chợ việc làm, coi đây là "cơ hội vàng" để có thể tìm được việc làm. Bản thân Ma Jingjing - vốn mơ ước trở thành giáo viên - cũng đang rất bối rối và băn khoăn về việc có nên chấp nhận làm bất cứ việc gì hay tạm gác chuyện "ổn định" để học lên. Cô cho biết đã nộp đơn xin vào 7-8 trường tư thục, song chỉ có 1 trường gọi lại cho cô để phỏng vấn. Tuy nhiên, có một rắc rối mà Ma Jingjing và nhiều bạn trẻ khác đang gặp phải như cô tâm sự - đó là họ đã học quá nhiều và không muốn gia đình phải chi thêm khoản nào cho việc học của mình nữa. Và tất nhiên, với những thanh niên trẻ này, tài chính luôn là vấn đề mà họ rất lo lắng. 

Mặc dù kinh tế Trung Quốc dường như đã quay trở lại đà phục hồi mạnh mẽ trong quý II vừa qua, với mức tăng trưởng đạt 3,2%, song giới phân tích vẫn thận trọng cho rằng đà phục hồi này có thể được đánh giá quá cao. Chuyên gia Louis Kuijs thuộc công ty Oxford Economics khẳng định rõ ràng kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, song mức độ của nó sẽ phụ thuộc vào việc liệu tăng trưởng có đủ mạnh để giải quyết một số vấn đề của thị trường lao động vừa nổi lên hồi đầu năm, trong đó có vấn đề sa thải. Trong khi đó, các nhà kinh tế thuộc ngân hàng UOB cho rằng dù tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của Trung Quốc giảm xuống còn 5,7% trong tháng 6, nhưng có khoảng 19,3% sinh viên mới tốt nghiệp vẫn thất nghiệp. Điều này cho thấy thị trường lao động của Trung Quốc vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. 

Không giống như Ma Jingjing vừa tốt nghiệp, một chàng trai họ Kang, 27 tuổi, tốt nghiệp năm 2017, cũng đã phải tìm đến hội chợ việc làm ở Trịnh Châu sau khi hợp đồng làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại Bắc Kinh chấm dứt. Dù quyết định quay trở lại Trịnh Châu, Kang chỉ nhận được khoảng 5 cuộc điện thoại phản hồi sau khi nộp đơn xin việc tới hơn 30 công ty. Hiện cậu vẫn đang chật vật tìm cho mình một công việc. Kang chia sẻ nỗi lo của mình khi dịch bệnh bùng phát khiến việc đi lại bị hạn chế, nhiều hội chợ việc làm đã phải hoãn hoặc hủy. 

Trong khi đó, Lu Yifan, 25 tuổi, cho biết dịch bệnh đã khiến nhiều du học sinh Trung Quốc như cậu phải quay trở về nhà sớm hơn dự định, càng làm tăng "biển người" tìm việc. Chính vì vậy, đối với những người trẻ tuổi như Ma Jingjing hay Kang và Lu Yifan có lẽ việc nhận được việc làm bây giờ chính là một thành công. 

Không chỉ gây tác động tới những người tìm việc, cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng ảnh hưởng tới những nhà tuyển dụng. Ông Yang Changwei, quản lý công ty bất động sản Deyou Real, cho biết hiện rất khó để có thể thuê nhân viên bán hàng dựa trên tiền hoa hồng. Theo ông, dường như người tìm việc đã thay đổi tư duy. Đối với họ, bán hàng không phải là công việc mang lại thu nhập ổn định nữa. Rõ ràng đại dịch đang khiến áp lực tài chính ngày càng lớn hơn.  

Hiện Chính phủ Trung Quốc cũng đang tăng cường các nỗ lực nhằm thúc đẩy tỷ lệ việc làm sau đại học. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết chính phủ sẽ nỗ lực để tạo ra hơn 9 triệu việc làm mới trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh quyết định sẽ trợ cấp cho các donh nghiệp nhỏ tuyển dụng những người vừa tốt nghiệp, với hợp đồng dài hơn 1 năm, trong khi các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tuyển dụng trong năm nay và năm sau.

Bản thân chính quyền tỉnh Hà Nam cũng cho rằng cần dành ít nhất 50% vị trí tuyển dụng tại các doanh nghiệp nhà nước trong tỉnh cho các sinh viên tốt nghiệp trong năm 2020, trong khi chính quyền thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô cũng dành 1 tỷ nhân dân tệ (143 triệu USD) để hỗ trợ 100.000 sinh viên tốt nghiệp thực tập.

Ngọc Hà (TTXVN)
Bài toán khôi phục việc làm thời COVID-19

Không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 576.000 người tính đến ngày 14/7, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 còn khiến nền kinh tế thế giới biến động và đẩy hàng trăm triệu người đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai. Các chính phủ đang phải căng mình để cứu nền kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN