30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng về việc làm bởi COVID-19

Có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Chú thích ảnh
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN.

Tại họp báo tình hình lao động việc làm quý II/2020 và 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê (GSO) diễn ra ngày 10/7, Phó Tổng cục trưởng GSO - ông Phạm Quang Vinh cho biết: Kết quả điều tra lao động việc làm quý II/2020 cho thấy: Tính đến hết tháng 6/2020, có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Kết quả điều tra này cho thấy lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục: Giảm 2,2 triệu người so với quý I/2020 và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm sâu hơn ở khu vực nông thôn và trong lực lượng lao động nữ.

Theo GSO, ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người). Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8%; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

Đây là năm đầu tiên trong 5 năm qua ghi nhận thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II/2020 giảm đi so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động đang phải gánh chịu những tác động kinh tế nặng nề nhất của đại dịch.
Người lao động phi chính thức bị giảm thu nhập nhiều hơn so với lao động chính thức, với mức giảm tương ứng là 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Người lao động càng có bằng cấp, trình độ cao hơn, thì càng bị giảm thu nhập ít hơn.

Đại diện GSO cũng cho biết thêm: Lao động có việc làm ở 3 khu vực kinh tế trong quý II/2020 đều giảm so với quý  I/2020 và so với cùng kỳ năm trước. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 17 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16 triệu người, giảm 497.400 người so với quý trước và giảm 287.700 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ là 18,7 triệu người, giảm 778.100 người so với quý trước và giảm 642.600 người so với cùng kỳ năm trước.

“Dịch COVID-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4/2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để”, Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động - GSO nói.

Để hỗ trợ người lao động, đại diện GSO kiến nghị: Cần đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ; nghiên cứu xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi COVID-19; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Minh Phương/Báo Tin tức
Gần 8 triệu người mất việc, nghỉ luân phiên do dịch COVID-19
Gần 8 triệu người mất việc, nghỉ luân phiên do dịch COVID-19

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã có gần 8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Tuy nhiên, số lao động được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ chưa nhiều do điều kiện khắt khe và khó áp dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN