Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên, cơ quan chức năng đã tiếp nhận hồ sơ của 94 doanh nghiệp với 1.881 lao động; đã ra quyết định chi trả cho 4 doanh nghiệp với 50 lao động, kinh phí chi trả là 90 triệu đồng. Trong đó, có 3 quận đã thực hiện hỗ trợ là Đống Đa, Long Biên và Cầu Giấy.
Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, các quận, huyện đã tiếp nhận và đang xét duyệt 153 hồ sơ.
Đối với nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (hay còn gọi là lao động tự do), các quận huyện đã tiếp nhận và xét duyệt 82.504 hồ sơ; ra quyết định chi trả 915 trường hợp; đã chi trả 333 trường hợp với kinh phí 333 triệu đồng, trong đó, riêng quận Hà Đông đã chi trả cho 325 người lao động tự do.
Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020: Đã tiếp nhận và xét duyệt 2.472 hồ sơ; đã chi trả cho 27 hộ kinh doanh với số tiền 27 triệu đồng. Các huyện đã thực hiện chi trả là Mê Linh, Mỹ Đức và Thanh Trì.
Đối với nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động: Đã tiếp nhận và đang xét duyệt 2 hồ sơ; tiếp nhận, giải quyết chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 135 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với tổng số lao động là 11.987 người tương ứng kinh phí trên 36 tỷ đồng.
Trong khi đó, hỗ trợ với nhóm người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành từ 20/5.
Theo tổng hợp từ báo cáo của các quận, huyện, thị xã, Thành phố cơ bản đã hoàn thành công tác chi trả cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Đã có 385.516/385.683 người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỷ đồng.
Tỷ lệ chi trả toàn Thành phố đạt 99.97%, làm tròn là 100%. Còn 167 đối tượng chưa nhận hỗ trợ vì các đối tượng này hiện đang vắng mặt tại nơi cư trú.
Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội, với các nhóm lao động có hợp động, hộ kinh doanh và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong quá trình triển khai, các ngành, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để xác định chính xác các đối tượng thụ hưởng, nhất là việc thẩm định điều kiện để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng không có cơ sở để kiểm tra, xác minh, mà dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách.