Phát biểu tại buổi lễ phát động, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: “Việc bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể giao phó, trông chờ vào trách nhiệm và nỗ lực một vài Bộ, ngành mà cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, gia đình, nhà trường và người dân.
Do đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các bộ ngành hữu quan, địa phương phải tổ chức phải đẩy mạnh tuyên truyền về quyền của trẻ em trong Luật Trẻ em; sự phối hợp và quy trình xử lý mau chóng các vụ án liên quan xâm hại trẻ em…
Vừa qua, Quốc hội đã thực hiện giám sát tình trạng xâm hại trẻ em trên cả nước. Theo thống kê, giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra nhận định, tình hình xâm hại trẻ em đang tiếp tục gia tăng và biến tướng dưới nhiều hình thức.
Do đó, tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương trong Tháng hành động vì trẻ em thực hiện đầy đủ Chỉ thị 23 ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; cũng như những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp về giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 27/5/2020.
Theo Cục Trẻ em, trong quy định tại Điều 11 Luật Trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Tuyên truyền phổ biến, vận động cơ quan tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.