Nữ giảng viên 27 tuổi này trao đổi bản lý lịch với vài “ứng cử viên hôn nhân” tiềm năng – được trợ giúp bởi một giáo sĩ kiêm người mai mối – cho đến khi bất ngờ được một người quen mất liên lạc từ lâu gọi điện cho cô tỏ ý muốn hẹn hò “không tiếp xúc”. Không cầm tay hay ôm hôn, hai người thậm chí còn không gặp mặt trực tiếp trong 1 năm, chỉ trò chuyện qua điện thoại. “Lúc chúng tôi cảm thấy ‘chín muồi’, anh ấy đã hỏi ý kiến bố mẹ tôi để cưới tôi”, cô Pujiartati nói. Quãng thời gian tìm hiểu của Dwita Astari Pujiartati khá dài so với tiêu chuẩn của nhiều cặp đôi “kết hôn không hẹn hò” khác. Họ thường đưa ra quyết định về lễ cưới sau vài tháng.
Theo hãng thông tấn AFP, tục lệ mai mối này được gọi là “taaruf” hay “giới thiệu” bị chỉ trích là lỗi thời và chỉ phù hợp với các quốc gia vùng Vịnh hà khắc hơn là Indonesia tương đối tự do. Tuy nhiên, cô Pujiartati lại nhìn nhận “taaruf” là một cách để từ bỏ hình thức hẹn hò không hiệu quả cũng như thể hiện sự sùng đạo bằng cách tránh đụng chạm và quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Chia tay tập thể
Pujiartati chẳng hề đơn độc. Phong trào mang tên “Indonesia không hẹn hò” được phát động từ năm 2015 bởi cậu sinh viên La Ode Munafar đang nở rộ tại quốc gia Đông Nam Á có người Hồi giáo chiếm đa số này - nơi những thanh niên chào đời giữa thập niên 1990 chiếm đến 1/4 tổng số dân số hơn 260 triệu người.
Chỉ riêng tài khoản Instagram của phong trào trên đã có khoảng 1 triệu người theo dõi. Nhóm này hướng đến mục tiêu cuối cùng là se duyên cho đối tượng Thế hệ Z (sinh ra trong khoảng năm 1996 đến năm 2000) chủ yếu thông qua mạng xã hội. Theo nhóm “Indonesia không hẹn hò”, bất kỳ mối liên lạc nào trước hôn nhân cũng cần được giám sát và lập gia đình ở độ tuổi trẻ hơn là điều cần khuyến khích.
La Ode Munafar vừa chủ trì một “lễ chia tay tập thể” vào đêm Giao thừa tại thành phố Kendari trên đảo Sulawesi. Với hàng chục người theo dõi, cậu thanh niên 29 tuổi lên án việc hò hẹn thông thường, đồng thời kêu gọi những người có mặt chia tay với người yêu. Một chàng trai trẻ bước lên bục sân khấu, dõng dạc tuyên bố chia tay bạn gái qua điện thoại làm đám đông vỗ tay hưởng ứng.
Munafar chia sẻ với phóng viên sau “lễ chia tay tập thể”: “Tôi đã nghiên cứu việc hẹn hò từ góc nhìn tâm lý học và khoa học”. Anh kết luận hẹn hò có hại ở cả hai khía cạnh song không nêu chi tiết.
“Lòng mộ đạo của công chúng”
Trên không gian mạng rộng lớn của Indonesia tràn ngập các câu chuyện hạnh phúc về những cặp đôi “kết hôn không hẹn hò”. Đáng chú ý là câu chuyện của Muhammad Alvin Faiz với người vợ 19 tuổi vừa cải đạo từ Công giáo sang Hồi giáo. Cặp đôi nên duyên sau khi trải qua mối quan hệ “không tiếp xúc”. Faiz đã chia sẻ chuyện tình yêu của hai người với 1,4 triệu người theo dõi trên mạng xã hội dưới dòng hashtag #NikahMuda hay “kết hôn trẻ”.
Mầm mống của “taaruf” có thể đã xuất hiện từ năm 1998 sau khi chính quyền Suharto sụp đổ tại Indonesia. Sidiq Harim, nhà xã hội học tại Đại học Gadjah Mada giải thích: “Thời đại dân chủ ngày nay đã tạo ra không gian cho sự thể hiện tôn giáo. Lòng mộ đạo của công chúng được thể hiện thông qua các biểu tượng tôn giáo đang nổi lên và ‘taaruf’ là một trong số đó”.
Giới chuyên gia nhận xét “hôn nhân không hẹn hò” cũng giúp đẩy lui nỗi sợ rằng hai thập kỷ dân chủ trôi qua đã phá vỡ các giá trị truyền thống tại Indonesia – nơi hôn nhân sắp đặt từng là chuẩn mực và vẫn tồn tại ở một số vùng nông thôn.
Những người ủng hộ “taaruf” nhấn mạnh tập tục này đã đề cao người phụ nữ bằng cách cho họ quyền kiểm soát việc chọn bạn đời mà không cảm thấy bị ép buộc phải quan hệ tình dục trước hôn nhân. Và nó cũng không yêu cầu sự cho phép từ các thành viên gia đình như các mối quan hệ được sắp đặt trước.
Mặc dù đang trở nên phổ biến, không phải toàn bộ người Indonesia đều hưởng ứng “hôn nhân không hẹn hò”. Cô Azara Mahdaniar, 25 tuổi, chia sẻ: “Tôi không tán thành với kiểu kết hôn đột ngột như vậy. Bạn sẽ chẳng muốn dấn thân vào con đường hôn nhân và sau đó phát hiện bạn đời là kẻ keo kiệt hay bạo hành”.