Báo cáo dựa trên thông tin về nguồn lực tài chính của 65.000 người thuộc 5 nhóm tuổi trong thời gian từ tháng 3/2020 đến cuối năm 2021. Kết quả cho thấy nguồn lực tài chính của nhóm từ 14-24 tuổi giảm 7,4% trong nằm đầu tiên của đại dịch – mức cao nhất trong mọi nhóm tuổi. Tương tự, trong năm 2021, khi các nhóm tuổi khác bắt đầu hồi phục, nhóm người trẻ tuổi nhất ở Australia vẫn chưa cải thiện được khả năng tài chính.
Các dữ liệu trên được lấy từ một cuộc thăm dò nhằm đánh giá khả năng đáp ứng các cam kết tài chính – các hoá đơn phải trả, các chi tiêu hằng ngày, thái độ đối với tình trạng tài chính của bản thân và khả năng phục hồi về tài chính – thông qua tỷ lệ giữa tiết kiệm và chi tiêu.
Theo đó, nhóm từ 14-25 tuổi có điểm số tài chính trung bình là 50,9 trên 100. Điểm số từ 30-50 được coi là “xoay sở được”, từ 50-80 là “tạm được”. Báo cáo cho thấy người ít tuổi thường được tuyển dụng vào những ngành nghề không chắc chắn như bán lẻ, dịch vụ và giải trí, gần 1/4 số người từ 14-25 tuổi đang làm các công việc này, so với mức trung bình 1/10 trên cả nước. Điều này đã gây tác động lớn trong thời đại dịch, khi hàng trăm nghìn người Australia mất việc làm vì các thành phố lớn bị phong toả.
Phó Giáo sư về quản lý nhân sự và quan hệ công ty tại Đại học Sydney (Australia), bà Angela Knox cho biết công việc không chắc chắn và hậu quả là sự bất ổn tài chính có thể gây một loạt tác động lớn. Bà nhận định: “Người trẻ tuổi rất vất vả để có được công việc ổn định, qua đó ổn định cuộc sống, và điều này có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ”. Theo bà, một hậu quả nữa là giới trẻ Australia phải ngừng hoặc hoãn kế hoạch mua nhà và lập gia đình.
Bà Knox cũng lý giải tình trạng bất ổn tài chính nói trên liên quan đến xu hướng thay đổi một cách tổng thể ở Australia sang chế độ làm việc bán thời gian, hoặc hợp đồng thời vụ. Bà nói: “Giờ đây chủ doanh nghiệp có xu hướng thay thế các chỗ làm toàn thời gian bằng những việc làm không chắc chắn”.