Theo đài RT (Nga), hôm 12/10, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko nói với kênh CNN rằng kể từ khi xung đột bùng phát, lần đầu tiên nước này đã phải hứng chịu các cuộc tấn công quy mô lớn của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng. Ông Galushchenko tiết lộ khoảng 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị hư hại sau hai ngày Nga liên tục thực hiện các cuộc không kích.
Trước đó, ngày 10/10 quân đội Nga đã phóng hàng chục tên lửa vào các mục tiêu ở Ukraine - trong đó có các cơ sở hạ tầng năng lượng, sở chỉ huy quân sự và thông tin liên lạc của nước này. Moskva gọi các cuộc không kích này là phản ứng đáp trả âm mưu phá hoại các cơ sở quan trọng của Nga - bao gồm nhà máy điện hạt nhân Kursk, đường ống dẫn khí TurkStream và cây cầu huyết mạch Crimea.
Theo hãng thông tấn TASS, Thượng nghị sĩ Viktor Bondarev của Nga nhận định các cuộc tấn công bằng tên lửa vào thủ đô Kiev sáng ngày 10/10 đã đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
“Không còn ngờ gì nữa, quân đội Nga hôm nay đã chính thức bước vào giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Chúng ta sẽ hành động quyết đoán hơn nữa”, ông Bondarev tuyên bố
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với đài Sputnik, ông Scott Ritter - nhà phân tích quân sự và cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ – cho rằng việc Nga tiến hành không kích ở miền trung Ukraine, bao gồm Kiev, là hành động “ăn miếng – trả miếng” đáp trả vụ tấn công cầu Crimea.
“Nga từng cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu Crimea sẽ là ‘lằn ranh đỏ’. Nếu Ukraine vượt qua lằn ranh đó, bản chất của cuộc xung đột sẽ thay đổi. Tôi nghĩ chúng ta đang chứng kiến biểu hiện của điều này. Nga không nói suông”, ông Ritter bình luận.
Nhà phân tích trên chỉ ra rằng từ đầu chiến dịch đến thời điểm hiện tại, Nga chủ yếu tập trung vào các mục tiêu quân sự trong chiến dịch tại Ukraine và tránh giao tranh theo cách quân đội Ukraine từng làm khi tấn công các mục tiêu dân sự ở Donbass năm 2014.
Theo chuyên gia Ritter, trong cuộc không kích tên lửa hôm 11/10, Nga cũng nhắm vào các mục tiêu hợp pháp “theo luật chiến tranh”. Ông giải thích đây đều là những mục tiêu cơ sở hạ tầng, mục tiêu chỉ huy và kiểm soát hợp pháp. Đây không phải là một cuộc tấn công vào các trung tâm dân sự vô tội. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa cách Nga tiếp cận xung đột chiến lược và Ukraine tiếp cận xung đột chiến lược.
“Tôi không biết Ukraine nghĩ họ sẽ đạt được gì khi tấn công cầu Crimea. Tôi không biết liệu cảm giác đạt được thành quả này có đáng với cái giá của nó hay không. Đó là câu hỏi mà chỉ Ukraine có thể trả lời khi chúng ta đều biết về mức độ đáp trả đầy đủ mà họ phải đối mặt”, ông Ritter nói.
Sau các cuộc không kích của Nga, còi báo động đã vang lên ở một số khu vực của Ukraine - bao gồm cả thủ đô Kiev. Nhiều nơi đã báo cáo tình trạng mất điện cùng hàng loạt các sự cố tiện ích khác. Nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo đã yêu cầu người tiêu dùng tắt thiết bị trong giờ cao điểm buổi tối và yêu cầu cắt điện ở một số khu vực để tránh tình trạng quá tải.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cho biết châu Âu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi Kiev đình chỉ xuất khẩu điện. Ông Galushchenko tuyên bố rằng hệ thống năng lượng của Ukraine vẫn ổn định nhưng kêu gọi phương Tây gửi cho Kiev các hệ thống phòng không để bảo vệ cơ sở hạ tầng của nước này khỏi các cuộc tấn công tiếp theo. Ông nói: “Chúng tôi gửi thông điệp này đến các đối tác của mình: chúng tôi cần bảo vệ bầu trời”.