Giới phân tích lý giải vì sao Trung Quốc đẩy mạnh mua khí đốt Nga

Trung Quốc là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên nhiều nhất thế giới, nhưng phụ thuộc nặng vào nhập khẩu năng lượng. 

Chú thích ảnh
Thi công đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia. Ảnh: gazprom.com

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh thu mua khí đốt tự nhiên của Nga vì tranh cãi thương mại hiện nay với Australia. Mối bất đồng này có thể dẫn đến những rủi ro cho nguồn cung từ Australia - nhà cung cấp khí đốt số 1 của Trung Quốc. 

Số liệu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2020, quốc gia này đã mua 43% lượng khí đốt cần sử dụng từ nước ngoài, bao gồm 89 tỷ mét khối khí đốt hóa lỏng (LNG) và 46 tỷ mét khối khí đốt ống dẫn. 

Dữ liệu thương mại do công ty theo dõi thị trường Refinitiv chỉ ra Australia là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc trong 9 tháng đầu của năm 2021, xếp sau đó là Mỹ - một quốc gia khác có mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh những năm gần đây. 

Ông Tian Miao, nhà phân tích cấp cao tại Everbright Sun Hung Kai, cho rằng việc mở ra kênh cung ứng thứ hai với Nga sẽ đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời giúp đa dạng hóa nhập khẩu của nước này.

Căng thẳng thương mại và ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia không ngừng gia tăng vài năm nay, đặc biệt là sau khi Canberra cấm các nhà cung cấp Trung Quốc triển khai mạng viễn thông 5G. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Australia ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ về việc mở điều tra quốc tế về vai trò của Bắc Kinh trong vụ bùng phát COVID-19 trên thế giới. 

Kết quả, Bắc Kinh đã áp thuế cao đối với rượu vang của Australia, trong khi hoạt động mua than từ quốc gia này đã giảm đến 89,7% từ tháng 1 đến tháng 11/2021. Chính phủ Australia cũng trả đũa bằng cách hủy bỏ hai thỏa thuận trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa bang Victoria và Trung Quốc.

Khí đốt tự nhiên của Nga đang được chuyển từ vùng Viễn Đông Yakutia đến Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia do Gazprom điều hành. Trong khi đó, đường ống dẫn khí Power of Siberia số 2 dự kiến bơm thêm 50 tỷ mét khối khí đốt đến miền Bắc Trung Quốc hàng năm.

“Cũng giống như việc Liên minh châu Âu sử dụng LNG làm hàng rào chính trị, Trung Quốc có lý khi sử dụng đường ống dẫn khí đốt của Nga làm hàng rào chính trị hoặc dự phòng khi phụ thuộc nhiều vào LNG. Phần lớn LNG của Trung Quốc được nhập khẩu từ Australia và Mỹ”, ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group, phát biểu.

Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ than hàng đầu của Australia, chiếm gần 1/4 sản lượng xuất khẩu. Theo báo cáo tháng trước, doanh thu xuất khẩu nguyên liệu sản xuất thép được ước tính đã giảm từ 35 tỉ AUD vào năm trước xuống còn 23 tỉ AUD trong năm 2020, tính đến ngày 30/6, do giá thấp hơn và nhu cầu giảm đi. Trung Quốc cũng là khách hàng lớn thứ 2 trong ngành xuất khẩu than nhiệt của Australia, chỉ sau Nhật Bản. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng năm tại thị trường đã giảm xuống từ 20 tỉ AUD xuống 15 tỉ AUD trong năm tài chính 2019. 

Cho đến nay, tình trạng căng thẳng thương mại giữa Canberra và Bắc Kinh chưa tác động đến LNG hay quặng sắt. Tuy nhiên, Australia không hề nhận được hợp đồng cung cấp dài hạn mới nào từ Trung Quốc vào năm 2021, theo dữ liệu của nhà cung cấp thông tin thị trường OilChem.net. Một số thị phần của nước này đã bị Qatar, Nga và Mỹ thế chân. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức (RT)
Dập dịch từ ‘trứng nước’, thành phố ở Trung Quốc xét nghiệm 12,6 triệu dân trong 6 giờ
Dập dịch từ ‘trứng nước’, thành phố ở Trung Quốc xét nghiệm 12,6 triệu dân trong 6 giờ

Sức mạnh thần tốc của Trung Quốc một lần nữa lại được triển khai tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, trong đợt xét nghiệm COVID-19 diện rộng ngày 7/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN