Giới khoa học tính phương án giảm liều lượng để khắc phục tình trạng thiếu vaccine COVID-19

Với kinh nghiệm đúc kết từ một số dịch bệnh khác, các nhà khoa học trên thế giới đang xem xét tính khả thi của việc giảm liều lượng vaccine COVID-19 khi tiêm nhưng vẫn đảm bảo khả năng tạo kháng thể phòng dịch.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine AstraZeneca tại Mexico. Ảnh: Reuters

Khi dịch sốt vàng da bùng phát ở Brazil năm 2018, thế giới thiếu hụt loại vaccine phòng căn bệnh này. Trước tình hình virus gây bệnh sốt vàng da lây lan mạnh, các quan chức y tế Brazil quyết định tiêm cho người dân vaccine ở mức 1/5 liều lượng so với thông thường. Hầu hết người dân Brazil sau khi tiêm vaccine lượng điều chỉnh này đều có kháng thể với virus gây sốt vàng da và dịch bệnh được kiểm soát.

Kênh Al Jazeera cho biết vaccine liều phân đoạn đã được sử dụng trên toàn thế giới trong nhiều năm trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung. Đây là hình thức tiêm vaccine với lượng ít hơn thông lệ.

Năm 2016 hình thức vaccine liều phân đoạn đã được áp dụng tại Angola và Congo khi dịch sốt vàng da bùng phát. Hiện nay, có một số bằng chứng cho thấy việc điều chỉnh lượng này có thể áp dụng với một số loại vaccine COVID-19.

Theo trang Our World in Data, có khoảng 3,79 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được phân phối trên toàn thế giới. Trong khi đó, có đến 73,1% dân số toàn cầu chưa được tiêm liều vaccine COVID-19 nào. Nhiều quốc gia giàu có đã tiêm vaccine COVID-19 cho hầu hết người dân và chuẩn bị mở cửa trở lại. Còn ở những quốc gia thu nhập thấp, mới chỉ có 1,1% dân số được tiêm tối thiểu một liều vaccine COVID-19.

Giáo sư Alex Tabarrok tạ Đại học George Mason (Mỹ) nhận xét: “Một liều vaccine phân đoạn còn tốt hơn không được tiêm mũi nào”.

Gần đây, các nhà khoa học tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm và nghiên cứu vaccine Mỹ đã bắt tay cùng Đại học California nghiên cứu về hiệu quả trong việc giảm lượng vaccine Moderna. Ở giai đoạn thử nghiệm, các tình nguyện viên được tiêm những liều vaccine lượng khác nhau. Dữ liệu cho thấy 7 tháng sau khi tiêm vaccine 25 microgram, chỉ bằng 1/4 so với lượng tiêu chuẩn, các tình nguyện viên đều hình thành phản ứng miễn dịch không mấy khác biệt so với tiêm liều đầy đủ.

Giáo sư Alex Sette tại Viện Miễn dịch La Jolla (Mỹ) đánh giá: “Miễn dịch thấp hơn nhưng cũng đáng kể. Nó có thể hiệu quả như việc tiêm 100 microram”. Nhưng ông Sette khẳng định vẫn cần thêm nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Tính đến 23/7, có 73,1% dân số thế giới vẫn chưa tiêm liều vaccine COVID-19 nào. Ảnh: EPA

Vào đầu tháng 1/2021, người phụ trách “Chiến dịch thần tốc” về vaccine COVID-19 tại Mỹ, ông Moncef Slaoui, đã đề xuất về giảm lượng vaccine khi tiêm. Ông Slaoui nói rằng nửa liều Moderna cũng có tác dụng tương tự liều đầy đủ. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn thiếu dữ liệu liên quan đến phương pháp này.

Có ý kiến cho rằng lượng nhỏ trong vaccine có hiệu quả lên tới 95% được coi là giải pháp đáng quan tâm ở thời điểm thiếu hụt vaccine COVID-19. Giáo sư Ben Cowling tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định: “Giảm từ 95% xuống 80% cũng được coi là hiệu quả cao đối với các bệnh nghiêm trọng. Điều này có thể cứu thêm nhiều mạng sống ở thời điểm nguồn cung vaccine hạn chế”. Khi các biến thể xuất hiện thêm và gần 3/4 dân số thế giới chưa tiêm vaccine thì cuộc đua tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt là cần thiết.

Một số nghiên cứu ở giai đoạn đầu cho thấy tiêm vaccine AstraZeneca với lượng chỉ tương đương một nửa tiêu chuẩn cũng có hiệu quả không mấy khác biệt. Các nhà khoa học còn nhận thấy vaccine liều phân đoạn còn giảm phản ứng phụ. Điều này thu được qua giai đoạn thử nghiệm vaccine COVID-19 tại Brazil khi một số tình nguyện viên vô tình bị tiêm vaccine AstraZeneca chỉ có lượng bằng 50% so với tiêu chuẩn. Họ có ít phản ứng phụ hơn và vẫn mang phản ứng miễn dịch tốt.

Moderna đang cân nhắc giảm nửa lượng với vaccine tiêm cho trẻ em bởi nhóm trẻ tuổi thường có hệ miễn dịch tốt. Bỉ cũng đang tiến hành nghiên cứu vaccine liều phân đoạn với vaccine Pfizer. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh cần thêm thời gian để nghiên cứu và kiểm chứng hiệu quả của hình thức này.

Hà Linh/Báo Tin tức
Singapore chưa sẵn sàng “sống chung” với COVID-19
Singapore chưa sẵn sàng “sống chung” với COVID-19

Đảo quốc sư tử đã áp dụng trở lại các biện pháp tương tự như đóng cửa chỉ vài tuần sau khi tuyên bố COVID-19 sẽ được coi là một bệnh dịch có thể kiểm soát được và họ sẽ “sống chung” với virus.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN