Theo tờ Straits Times (Singapore), một bản sao hoá đơn hoả táng lan truyền trên mạng xã hội Indonesia những ngày qua cho thấy một lò hoả táng ở tây Jakarta đã thu phí 5.520 USD (khoảng 127 triệu đồng) để hoả thiêu một thi thể nạn nhân COVID-19. Con số này ước tính cao gấp 10 lần mức phí hoả táng thông thường.
Tờ Tribunnews đưa tin chủ các lò hỏa táng giải thích rằng sở dĩ họ tăng giá là do chi phí củi đốt cao hơn, đồng thời phí nhân công cũng tăng do những người này phải làm việc ngoài giờ vào buổi tối trong bối cảnh số người tử vong vì COVID-19 tăng cao. Ngoài ra, họ cũng liệt kê những chi phí bổ sung liên quan tới đại dịch, bao gồm việc phải mua thiết bị bảo hộ cá nhân để ngăn lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bà Ima Mahdiah, một nhà lập pháp cấp tỉnh, cho biết bà đã thảo luận vấn đề này với Thống đốc Jakarta Anies Baswedan. Ông Baswedan đã cam kết sẽ mở một lò hỏa táng tạm thời vào ngày 25/7 trong một phần kế hoạch giúp giảm chi phí.
Trong nhiều thập kỷ qua, chính quyền Jakarta đã giao dịch vụ an táng cho các doanh nghiệp tư nhân vận hành. Người dân phải phụ thuộc vào các công ty trong thành phố cũng như các đô thị gần đó.
Hôm 19/7, ông Muhammad Jusuf Hamka, chủ sở hữu một lò hỏa táng, cáo buộc các doanh nghiệp đối thủ đã liên kết với nhau để đồng loạt tăng giá dịch vụ. Ông Hamka tuyên bố đã chỉ đạo nhân viên giữ nguyên mức phí 487 USD (khoảng 11 triệu đồng) như thông thường.
"Những người theo đạo Thiên chúa, hay đạo Phật, tôi sẽ giúp các bạn. Với những người không có khả năng chi trả phí an táng, nếu có thư giới thiệu từ giới chức địa phương, sẽ được miễn phí dịch vụ", ông Jusuf tuyên bố và chỉ trích việc tăng giá an táng là "vô nhân đạo".
Indonesia là quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới. Các tín đồ theo đạo này chuộng việc an táng người chết hơn là hỏa táng.
Cảnh sát đã vào cuộc điều tra và kêu gọi những người từng bị tính phí hoả táng "cắt cổ" hãy ra trình báo với cơ quan chức năng. Quan chức cấp cao của cảnh sát Indonesia Agus Andrianto cáo buộc những công ty thu phí người dân tăng vọt có hành vi "trục lợi từ của những người vốn đang chịu đựng nỗi đau mất người thân trong đại dịch".
Luật sư nổi tiếng Hotman Paris Hutapea, người đã kêu gọi cảnh sát hành động, hôm 22/7 cũng đã lên tiếng cảm ơn chính quyền vì phản ứng nhanh chóng.
"Hãy tưởng tượng nếu mẹ, con, chồng, vợ của các bạn qua đời vì COVID-19 và bạn đang gặp khó khăn về tài chính trong đại dịch, nhưng buộc phải chi một khoản tiền khổng lồ để hỏa táng người thân của mình", ông Hutapea chia sẻ.
Hôm 22/7, Indonesia đã ghi nhận kỷ lục 1.449 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong trung bình hàng ngày vì COVID-19 trong tuần qua cao gấp khoảng 7 lần so với con số trong tuần thứ 2 của tháng 6, khi chính phủ lần đầu tiên xác nhận biến thể Delta đã lây lan ở Indonesia.
Indonesia đã vượt qua Ấn Độ trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở châu Á. Tính đến ngày 23/7, nước này đã ghi nhận tổng số 3,03 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và vượt ngưỡng 79.000 trường hợp tử vong.