Nguy cơ siêu biến thể COVID-19 xuất hiện tại Indonesia khi dịch bệnh tràn lan

Các chuyên gia đang theo dõi sát diễn biến dịch bệnh ở Indonesia khi tỉ lệ dương tính qua xét nghiệm đứng ở mức hai con số, một dấu hiệu cho thấy COVID-19 đang lây lan vượt tầm kiểm soát tại quốc gia Đông Nam Á này.

Chú thích ảnh
Mới chỉ có khoảng 8% dân số Indonesia được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: EPA

Các chuyên gia dịch tễ trên toàn thế giới cảnh báo tốc độ và quy mô bùng phát dịch bệnh tại Indonesia đã tạo ra môi trường sinh sôi, nảy nở “hoàn hảo” cho một siêu biến thể tiềm tàng mới có khả năng lây nhiễm và chết chóc thậm chí còn vượt cả biến thể Delta.

Tuần trước, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ và Brazil về số ca lây nhiễm mới trong ngày, trở thành tâm dịch của thế giới. Trong ngày 22/7, "đất nước vạn đảo” này ghi nhận 49.500 ca nhiễm và số ca tử vong kỉ lục là 1.449 ca. Đây là một nguy cơ lớn, bởi theo Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ chuyên nghiên cứu về biến thể SARS-CoV-2 tại Đại học Griffith, Australia, các biến thể mới luôn xuất hiện tại các khu vực, quốc gia mà dịch bệnh lây lan vượt tầm kiểm soát.

“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa dịch bệnh không kiểm soát được là khi xét nghiệm cho ra mức trên 5% dương tính với virus. Tại Indonesia, tỉ lệ này đã là 10% trong 16 tháng đầu diễn biến dịch bệnh và đã lên mức 30% ở thời điểm hiện nay. Vì thế, rất có thể Indonesia sẽ là nơi khởi phát của một biến thể mới, hoặc một siêu biến thể của COVID-19”, ông Budiman nói.

Chú thích ảnh
Indonesia ghi nhận số ca tử vong ở mức kỉ lục trong ngày 22/7. Ảnh: EPA

Cùng chung quan điểm trên, Amin Soebandrio, Giám đốc tại Viện Eijkman Institute, một cơ quan thuộc chính phủ nghiên cứu bệnh nhiệt đới và bệnh truyền nhiễm ở Indonesia nhìn nhận tuy chưa xuất hiện biến thể mới nào, nhưng việc đề cao cảnh giác là rất quan trọng. Bởi số ca nhiễm tăng lên, không thể loại trừ khả năng sẽ phải quan sát kỹ để phát hiện ra biến thể mới ngay khi chúng xuất hiện.

Biến thể đáng quan ngại và khủng hoảng dịch bệnh ở Indonesia

Virus luôn biến đổi theo đột biến về gien, tạo ra những biến thể trội hơn. Theo Tiến sĩ Stuart Ray, phó chủ tịch y khoa về phân tích và đồng bộ dữ liệu tại Đại học Y thuộc Đại học Johns Hopkins, tuần nào giới khoa học cũng ghi nhận các biến thể COVID-19 mới.

Đa số xuất hiện rồi biến mất. Một số còn sót lại, nhưng không quá phổ biến. Có biến thể tăng lên trong cơ cấu lây nhiễm một thời gian, rồi giảm. Chỉ khi một biến thể cho thấy khả năng tạo đột biến về mức độ lây nhiễm, gây tình trạng bệnh nặng phải nhập viện, tử vong hoặc giảm hiệu quả các biện pháp chữa trị thì mới được WHO coi là biến thể đáng quan ngại (VOC).

Chú thích ảnh
Binh sĩ quân đội Indonesia kiểm tra giấy tờ lái xe tại một chốt kiểm dịch ở Jakarta. Ảnh: EPA

Trên thế giới hiện có 4 biến thể được liệt vào VOC, gồm biến thể Alpha lần đầu tiên được xác định ở Anh, Beta (Nam Phi), Gama (Brazil) và Delta (Ấn Độ). Ngoại trừ Gama, Indonesia hiện ghi nhận sự xuất hiện của cả ba biến thế còn lại. Indonesia cũng đã cải thiện được năng lực phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 trong khung thời gian ngắn. Kể từ đầu năm đến nay, nước này đã giải được 3.000 mẫu trình tự gien, tăng mạnh so với 200-300 mẫu hồi năm ngoái. Kết quả cho thấy Alpha vẫn còn lây lan, nhưng Delta mới là biến thể vượt trội.

Shahid Jameel, chuyên gia virus học hàng đầu của Ấn Độ, người đứng đầu nhóm cố vấn tại diễn đàn SARS-CoV-2 Genomics Consortia (INSACOG), nhìn nhận Delta có mức độ lây nhiễm cao hơn từ 4-5 lần so với chủng gốc. Theo ông, tình hình tại Indonesia hiện nay rất giống với Ấn Độ ở thời kỳ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai, mà nguyên nhân chủ yếu là do tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp. Mới chỉ có 8% dân số Indonesia được chích ngừa vaccine đủ liều.

Chú thích ảnh
Một người dân theo đạo Hindu ở đảo Bali cầu nguyện đại dịch COVID-19 sớm chấm dứt. Ảnh: Reuters

Đại diện đến từ hai nhóm nghiên cứu virus SARS-CoV-2 hàng đầu thế giới ở Mỹ lo ngại tình hình dịch bệnh ở Indonesia hiện nay là điều kiện thuận lợi để một biến thể VOC xuất hiện. “Lây nhiễm trong cộng đồng càng lớn, biến thể mới càng có cơ hội xuất hiện”, Ali Mokdad, giáo sư tại Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) có trụ sở ở Seattle nhìn nhận.  

Còn theo Giáo sư chuyên về bệnh truyền nhiễm Robert Bollinger thuộc Đại học Y khoa trực thuộc Đại học Johns Hopkins, SARS-CoV-2 có tiềm năng đột biến thành biến thể mới mỗi một lần gây lây nhiễm cho một bệnh nhân mới. Vì thế, nguy cơ biến thể mới xuất hiện cao nhất tại các cộng đồng và quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất, mà Indonesia hiện là một điển hình.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (aljazeera)
Hệ thống y tế của Indonesia quá tải nghiêm trọng
Hệ thống y tế của Indonesia quá tải nghiêm trọng

Một số khu vực bên ngoài đảo Java đang đề nghị chính quyền trung ương giúp đỡ khi các bệnh viện đều quá tải và nguồn cung cấp ôxy y tế cũng như vaccine ngừa COVID-19 đang thiếu hụt trầm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN