Giới chức Đức, Mỹ đồng quan điểm về tình hình Ukraine

Ngày 19/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhất trí cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài quá lâu.

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Nguồn AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Chính phủ Đức nhận định rằng điều cần thiết là phải hành động nhanh nhất có thể hướng đến một nền hòa bình công bằng, bình đẳng và lâu dài, đồng thời cam kết Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng Kiev cần sự hỗ trợ của cả Mỹ và EU để đạt được hòa bình lâu dài. Phát biểu sau hội nghị, ông Zelensky cho rằng các đảm bảo của liên minh này sẽ không đủ đối với Ukraine và bất kỳ bước đi nào để đảm bảo hòa bình đều phải có sự tham gia của cả Mỹ, đồng thời bày tỏ ủng hộ một sáng kiến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra về khả năng triển khai quân đội phương Tây. Tuy nhiên, ông cho rằng sáng kiến này cần phải được triển khai chi tiết và cần những cơ chế hiệu quả. 

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU tham dự hội đàm nhấn mạnh rằng họ muốn tăng cường hỗ trợ để giúp Kiev có được vị thế tốt hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cũng tuyên bố EU sẽ viện trợ thêm 30 tỷ euro (31,09 tỷ USD) cho Ukraine trong năm 2025, để trang bị hỗ trợ vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự. EU cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết Ukraine, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của nước này.

Cũng trong ngày 19/12, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết nước này ủng hộ một hội nghị hòa bình quốc tế về tương lai của Ukraine có sự tham gia của Nga Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Hiện Italy đang hợp tác với Thụy Sĩ để đạt được tiến triển theo hướng này.

Ngoại trưởng Tajani cũng cho rằng việc đạt được lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt là công bằng. 

Phát biểu trên được đưa ra sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc Moskva sẵn sàng thỏa hiệp vấn đề Ukraine trong các cuộc đàm phán có thể có với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis hôm 18/12 để thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine. Hai bên đã "trao đổi ý kiến về cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoại trưởng Lavrov "đã giải thích chi tiết lập trường của Nga về việc giải quyết tình hình".

Cùng ngày, trong chuyến thăm Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tuyên bố nước này sẽ viện trợ quân sự bổ sung 225 triệu bảng Anh (283 triệu USD) cho Ukraine để quốc gia Đông Âu này có thể nâng cao năng lực phòng thủ vào năm tới. Gói hỗ trợ mới bao gồm gói thiết bị quân sự quan trọng trị giá 186 triệu bảng thông qua Quỹ quốc tế vì Ukraine; 39 triệu bảng để cung cấp hơn 1.000 hệ thống tác chiến điện tử chống máy bay không người lái và để mua sắm chung máy trợ thở cũng như thiết bị nhằm tăng cường khả năng bảo vệ của Lực lượng vũ trang Ukraine.

 Minh Tâm - Dương Hoa - Quang Vinh (TTXVN)
Tên lửa tầm xa ATACMS Mỹ viện trợ cho Ukraine được sản xuất vào thập niên 90
Tên lửa tầm xa ATACMS Mỹ viện trợ cho Ukraine được sản xuất vào thập niên 90

Ngày 26/11, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố hình ảnh những mảnh vỡ từ loạt tên lửa ATACMS tấn công vào tỉnh Kusk của Nga. Khả năng cao, những quả tên lửa này đã được Mỹ sản xuất từ thập niên 1990 của thế kỷ trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN