Tên lửa tầm xa ATACMS Mỹ viện trợ cho Ukraine được sản xuất vào thập niên 90

Ngày 26/11, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố hình ảnh những mảnh vỡ từ loạt tên lửa ATACMS tấn công vào tỉnh Kusk của Nga. Khả năng cao, những quả tên lửa này đã được Mỹ sản xuất từ thập niên 1990 của thế kỷ trước.

Hãng tin Sputnik đã tiến hành phân tích các bức ảnh chụp bộ phận tên lửa ATACMS bị phòng không Nga phá hủy trong các cuộc tấn công gần đây từ Ukraine. Những bức ảnh này thể hiện tên lửa ATACMS được sản xuất bởi “Lockheed Martin Vought Systems”.

Theo báo cáo ngân sách hàng năm của quân đội Mỹ, đây là tên mà nhà thầu quốc phòng Mỹ sử dụng cho đến năm 1999. Trong khi đó, tại báo cáo công bố năm 2000 về ngân sách quân đội Mỹ, từ năm 2000 trở đi nhà thầu quốc phòng Mỹ đã đổi tên thành “Lockheed Martin Missiles and Fire Control”.

Video hình ảnh phóng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất. Nguồn: Reuters

Tên của nhà sản xuất trên tên lửa ATACMS của Mỹ do Ukraine sử dụng để tấn công Nga cho thấy rằng loại vũ khí này có khả năng được sản xuất lần đầu tiên vào cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước – thời điểm quân đội Mỹ bắt đầu mua sắm loại tên lửa này với số lượng lớn.

Cũng theo các báo cáo ngân sách trước đây của quân đội Hoa Kỳ, tên lửa ATACMS có tuổi thọ là 10 năm và cần khoảng 1 triệu USD để ‘khôi phục tuổi thọ’ lại cho mỗi quả tên lửa. Điều này cho thấy những quả tên lửa được Ukraine phóng vào lãnh thổ Nga vừa qua có khả năng đã trải qua 2 lần ‘tân trang’ lại để tái sử dụng.

Cũng trong ngày 26/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã bắn hạ 7 tên lửa ATACMS do Ukraine phóng vào một ngày trước đó nhằm vào sân bay Kursk-Vostochnyi ở tỉnh Kursk. Một tên lửa còn lại do Ukraine phóng đã đánh trúng mục tiêu. Vụ tấn công đã khiến 2 binh lính Nga đã bị thương do bị trúng các mảnh vỡ tên lửa.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận rằng Ukraine vào hôm 23/11 đã sử dụng 5 tên lửa ATACMS để tấn công các vị trí S-400 ở Lotarevka, một ngôi làng tại tỉnh Kursk. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 3 tên lửa đã bị phá hủy, trong khi 2 tên lửa còn lại đã bắn trúng mục tiêu. Vụ việc khiến một số binh lính Nga bị thương.

Về phía Ukraine, nước này chỉ xác nhận tấn công hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga nhưng không công khai tên lửa mà họ đã sử dụng. Ukraine hiếm khi tiết lộ loại tên lửa hoặc thiết bị bay không người lái (UAV) sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Nga.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã thừa nhận Ukraine đã sử dụng ATACMS. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby trong cuộc họp báo ngày 25/11 cho biết: "Ngay bây giờ, họ có thể sử dụng ATACMS để tự vệ, trong trường hợp cần thiết ngay lập tức. Không có gì ngạc nhiên khi điều đó xảy ra ở Kursk và các khu vực lân cận”.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Sputnik, Reuters)
Ukraine liên tục dùng tên lửa ATACMS đánh trúng mục tiêu trong lãnh thổ Liên bang Nga
Ukraine liên tục dùng tên lửa ATACMS đánh trúng mục tiêu trong lãnh thổ Liên bang Nga

Sau đòn tấn công đầu tiên nhằm vào mục tiêu ở tỉnh Bryansk, quân đội Ukraine đã liên tục sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS đánh trúng các mục tiêu ở tỉnh Kursk của Liên bang Nga. Việc này đã được Bộ Quốc phòng Liên bang Nga thừa nhận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN