Nhiều tên lửa ATACMS gửi đến Ukraine đã hết hạn vào năm 2015

Một số Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) cũ trong kho vũ khí mà Mỹ cam kết giao cho Ukraine trong đợt đầu tiên đã hết hạn sử dụng vào năm 2015, cần hơn 1 tỷ USD để sửa đổi nhằm kéo dài thời gian phục vụ.

Chú thích ảnh
Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân ATACMS. Ảnh: Public Domain

Theo đài Sputnik, thông tin trên dựa theo phân tích báo cáo ngân sách thường niên của Lầu Năm Góc về hoạt động mua sắm tên lửa của Lục quân Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quyết định gây tranh cãi khi cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp. Động thái này đã dẫn đến những dự đoán trên phương tiện truyền thông về tác động có thể xảy ra của loại tên lửa này trên chiến trường, với tầm bắn hiệu quả lên tới 300 km.

Tuy nhiên, báo cáo ngân sách hàng năm của Lục quân Mỹ lại vẽ ra một bức tranh khác. Các hệ thống ATACMS cũ dường như đã trở thành gánh nặng tài chính lớn khi Lục quân Mỹ tìm cách nâng cấp lên hệ thống tên lửa mới hơn.

Theo báo cáo ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ về hoạt động mua sắm tên lửa của Lục quân Mỹ, một số hệ thống ATACMS trong kho vũ khí đã hết hạn từ năm 2015.

“Trong năm tài chính 2016, bắt đầu từ ngày 1/10/2015, Lục quân Mỹ đã phải chi 30,1 triệu USD để sửa đổi 10 hệ thống ATACMS đã hết hạn sử dụng và thiết lập lại thời hạn sử dụng theo hợp đồng”, báo cáo ngân sách cho năm tài chính 2016 tiết lộ.

Vì lô ATACMS này có thời hạn sử dụng là 10 năm, nên 10 tên lửa được sửa đổi vào năm 2015 dự kiến ​​ hết hạn vào năm 2025.

Trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2016 đến 2021, Lục quân Mỹ đã đầu tư tổng cộng 1,22 tỷ USD để sửa đổi 1.075 đơn vị ATACMS.

Ngoài ra, Lục quân Mỹ đã mua thêm 240 đơn vị ATACMS trong năm tài chính 2020 để nâng tổng số đơn vị này lên tới 1.575 đơn vị tính đến tháng 3/2023, theo báo cáo ngân sách cho năm tài chính 2024. Trong khi đó, Lục quân Mỹ đã cố gắng thay thế ATACMS bằng Tên lửa tấn công chính xác (PrSM) mới và mạnh hơn trong những năm gần đây.

Theo báo cáo ngân sách mới nhất cho năm tài chính 2025, Lục quân Mỹ đã liên tục bổ sung tên lửa tấn công chính xác trong ba năm tài chính vừa qua. Số lượng tên lửa PrSM mới đã tăng vọt từ 42 tên lửa trong năm tài chính 2023 lên 110 tên lửa trong năm tài chính 2024 và dự kiến​ tăng lên 230 tên lửa trong năm tài chính 2025.

Trong khi mỗi hệ thống tên lửa ATACMS có giá khoảng 1 triệu USD, thì PrSM mới hơn có giá hơn 2 triệu USD/tên lửa.

Điều này có thể lý giải tại sao Ukraine nhận được 33,3 tỷ USD vũ khí thông cơ chế rút vốn đặc biệt của tổng thống (PDA). Trong khi đó, theo số liệu từ Ukraine Oversight, trang web thuộc tổng thanh tra đặc biệt của Chiến dịch Atlantic Resolve, Mỹ phải chi 45,7 tỷ USD để mua vũ khí mới nhằm bổ sung vào kho dự trữ.

“Washington chỉ đơn giản là tận dụng cơ hội để loại bỏ các vũ khí hết hạn sử dụng, chẳng hạn ATACMS, khỏi kho vũ khí và nâng cấp các hệ thống vũ khí của nước này bằng các khoản ngân sách được gắn nhãn ‘viện trợ quân sự cho Ukraine’”, đài Sputnik bình luận.

Hải Vân/Báo Tin tức
Sau ATACMS, Ukraine lần đầu dùng tên lửa Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga
Sau ATACMS, Ukraine lần đầu dùng tên lửa Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga

Hãng tin Bloomberg ngày 20/11 trích tiết lộ của một quan chức phương Tây cho biết Ukraine đã tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga bằng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN