Động thái trên được tiến hành trong bối cảnh các vụ đụng độ và không kích vẫn diễn ra tại Khartoum, đặt ra những câu hỏi về hiệu quả của một thỏa thuận ngừng bắn được thiết kế nhằm xoa dịu tình trạng khủng hoảng nhân đạo.
Mỹ và Saudi Arabia - hai quốc gia bảo trợ cho lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày trước đó (kết thúc vào tối 29/5) tại Sudan - đã xác nhận diễn biến mới nhất này. Tuyên bố chung của Mỹ và Saudi Arabia nêu rõ: "Mặc dù lệnh ngừng bắn không được tuân thủ một cách tuyệt đối, nhưng điều này vẫn tạo điều kiện để khoảng 2 triệu người tiếp nhận viện trợ nhân đạo. Việc gia hạn lệnh ngừng bắn sẽ cung cấp thời gian cho nhiều hoạt động hỗ trợ nhân đạo hơn nữa, phục hồi thêm các dịch vụ thiết yếu và thảo luận về những triển vọng dài hạn hơn".
Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), từ ngày 27/5, cơ quan này đã có thể chuyển chuyến hàng viện trợ thực phẩm đầu tiên tới Khartoum kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Xung đột giữa SAF do Tư lệnh Quân đội Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và nhóm bán quân sự RSF của cựu Phó Tư lệnh Mohamed Hamdan Daglo bắt đầu nổ ra từ ngày 15/4. Theo Dự án dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang, hơn 1.800 người đã thiệt mạng trong 6 tuần giao tranh vừa qua. Liên hợp quốc cho biết gần 1,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tới nơi khác trong nước và sang các nước láng giềng. Tổ chức này cũng lưu ý hiện có tới 25 triệu người (hơn 50% dân số Sudan), đang cần hỗ trợ nhân đạo. Các cơ quan hỗ trợ nhân đạo đang đối mặt với những thách thức trong việc vận chuyển và tình trạng mất an ninh.
Nhiều nguồn thạo tin cho biết các cuộc thảo luận về giải pháp để thỏa thuận ngừng bắn hiệu quả hơn vẫn đang tiếp tục diễn ra, trong bối cảnh cả SAF và RSF đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, cũng như cản trở việc tiếp cận nhân đạo và khôi phục các dịch vụ thiết yếu.